Vừa nghe đề án thu phí vỉa hè, tiểu thương hét lớn: ’Chắc tôi trốn luôn’

16/06/2023 08:29

Nghe dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM, nhiều người bán hàng rong cho rằng điều này sẽ gây khó khăn cho họ.

Đã khổ, thu phí còn khổ hơn

"Tôi bán hủ tiếu, đẩy xe hàng rong cũng hơn 40 năm rồi. Làm gì có chuyện thu tiền", ông Đức (65 tuổi), một tiểu thương bán hủ tiếu trước chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) bất ngờ khi nghe dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.

Ông Đức cho hay, ông không cập nhật được thông tin do tuổi đã cao, không rành công nghệ. Vậy nên, khi nghe thông tin này ông cảm thấy rất "sốc".

Vừa nghe đề án thu phí vỉa hè, tiểu thương hét lớn: Chắc tôi trốn luôn - 1

Ông Đức, một người bán hàng rong hơn 40 năm cho rằng việc thu phí buôn bán trên vỉa hè, lòng đường sẽ khiến cuộc sống của ông trở nên khó khăn (Ảnh: Nguyễn Vy).

Người đàn ông 65 tuổi này bán hủ tiếu đã hơn 40 năm. Mỗi ngày, ông Đức bán được khoảng vài chục tô hủ tiếu trên chiếc xe nhỏ. Số tiền chỉ đủ để ông nuôi gia đình, trang trải qua ngày.

"Bán hàng rong là để sống hàng ngày mà, đâu có dư dả được như người ta. Nếu mà đóng phí thì gây khó khăn cho chúng tôi lắm. Chợ đã vắng khách rồi, giờ còn phải đóng phí nữa thì vô tình đưa người bán hàng rong như chúng tôi vào thế kẹt", ông Đức bộc bạch.

Trước dịch Covid-19, du khách trong và ngoài nước thường ghé chợ Bến Thành nên ông cũng có "đồng ra đồng vô". Thế nhưng, sau dịch Covid-19, lượng khách lui tới chợ ngày càng ít, gánh hủ tiếu của ông cũng ế theo.

Cách đó không xa, chị L. (45 tuổi), một người bán trái cây cho hay dạo gần đây, tình hình buôn bán rất ế ẩm. Không chỉ ở các cửa hàng lớn, người bán hàng rong như chị cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, chị cho rằng việc thu phí bán hàng trên vỉa hè sẽ "gấp đôi" những khó khăn ấy.

"Giỏ trái cây này bán 3 ngày rồi chưa hết, thu phí nữa chắc tôi trốn luôn…", chị L. bộc bạch.

Vừa nghe đề án thu phí vỉa hè, tiểu thương hét lớn: Chắc tôi trốn luôn - 2

Nhiều người bán hàng rong "than" rằng, do không có vốn nên mới không đủ khả năng mướn sạp bán hàng. Vì vậy, họ buộc phải bán trên vỉa hè, lòng đường (Ảnh: Nguyễn Vy).

Được biết, chị L. không ít lần tìm tới chợ tự phát để bán, nhưng rồi cũng phải bỏ đi do không có đủ khả năng thuê sạp. "Buôn bán bây giờ khó khăn lắm, nói chi thuê sạp rồi đóng thuế các thứ nữa. Sáng giờ ế ẩm, không có một khách nào. Người bán còn nhiều hơn người mua", chị L. nói.

Cạnh chị L., một số người bán hàng rong khác cũng trầm ngâm, thở dài khi nói về tình hình buôn bán những ngày qua. Được biết, chị L. và chồng cùng bán hàng rong, nuôi 3 đứa con nên rất áp lực chuyện kinh tế gia đình.

"Khó khăn mới đi bán hàng rong chứ có vốn thì đã mở tiệm rồi. Có bữa bán không đủ vốn, đủ tiền mua cơm ăn thôi là mừng. Bán hàng rong thì không bao giờ giàu nổi", chị tâm sự.

Cần thu phí vì đằng nào cũng… lấn chiếm

Chị Mỹ Tiên (ngụ quận 10) cho biết, việc thu phí sử dụng vỉa hè để bán hàng là vô cùng cần thiết. Theo đó, bản thân chị từng có kỷ niệm khó quên với những gánh hàng rong lấn chiếm vỉa hè.

Vừa nghe đề án thu phí vỉa hè, tiểu thương hét lớn: Chắc tôi trốn luôn - 3

Bán hàng rong là một trong những nét văn hóa của TPHCM. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Nhiều người bán hàng rong trên vỉa hè, xong rồi họ nghĩ đó là… đất của họ luôn. Tôi đậu xe cũng không được, đi bộ qua cũng không xong nên nhiều lúc phải đi xuống lòng đường chung với xe máy rất nguy hiểm. Nếu phản ánh thì không biết bao giờ mới dẹp nổi", chị Tiên nói.

Không những vậy, chị chia sẻ rằng, trên nhiều tuyến phố, địa điểm trung tâm của TPHCM như phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Bến Bạch Đằng,… đầy rẫy những xe hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lối đi của người đi bộ.

"Cuối tuần, cứ đi ra trung tâm thành phố chơi là tôi thấy mệt mỏi với cảnh tượng bán hàng rong bát nháo. Bản thân tôi đôi lúc còn thấy xấu hổ với du khách nước ngoài, bởi họ nhìn cảnh tượng này trông rất lạ lẫm", chị Tiên kể.

Theo chị Tiên, chị rất ủng hộ đề xuất thu phí kinh doanh trên vỉa hè. "Nếu điều đó xảy ra, sẽ giúp địa phương quản lý được lượng người bán hàng rong. Mặc dù không chắc sẽ giúp ích cho mỹ quan thành phố, nhưng tôi nghĩ có thể phần nào làm giảm sự lộn xộn, tăng cảm tình trong mắt du khách nước ngoài", người này cho biết.

Vừa nghe đề án thu phí vỉa hè, tiểu thương hét lớn: Chắc tôi trốn luôn - 4

Không ít người dân ủng hộ dự thảo đề án thu phí tạm sử dụng vỉa hè, lòng đường, bởi nó góp ích rất nhiều cho mỹ quan đô thị (Ảnh: Nguyễn Vy).

Anh Nguyễn Tấn Đạt (ngụ quận 10) chia sẻ, anh cũng rất ủng hộ việc thu phí kinh doanh trên vỉa hè. Việc thu phí sẽ thể hiện sự rõ ràng hơn trong công tác quản lý đô thị. Tuy nhiên, anh cho rằng việc thu phí cần hoạch định rõ ràng tuyến đường nào được kinh doanh, để đảm bảo lối đi cho người đi bộ.

"Trước đây thành phố cũng đã thí điểm ở nhiều tuyến đường, chẳng hạn như đường Nguyễn Văn Chiêm. Hàng rong là một nét văn hóa lâu đời, sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Vậy nên việc thu phí sẽ giúp việc bán hàng rong trở nên dễ kiểm soát, ổn định hơn", anh Đạt nói.

Tăng hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm

Theo bản đề án do Sở GTVT TPHCM xây dựng, mức thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ các phương tiện giao thông cao nhất là 350.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 50.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cao nhất là 100.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng.

Trong đó, mức thu cao nhất được áp dụng cho khu vực các quận trung tâm, có giá đất trung bình ở mức cao như quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phù hợp với quy định của thành phố để làm điểm trông, giữ xe; tổ chức các hoạt động văn hóa; làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng; điểm trung chuyển rác của doanh nghiệp môi trường đô thị; tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; lắp đặt các công trình tạm...

Các trường hợp miễn thu là tổ chức đám cưới, đám tang, trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; điểm trông giữ xe phục vụ sự kiện văn hóa, chính trị; công trình phục vụ tổ chức giao thông; công trình tạm phục vụ tuyên truyền, cổ động chính trị, trật tự an toàn giao thông; dịch vụ xe đạp công cộng; xe chữa cháy, quân sự, công an, cứu thương, xe làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai; các xe phục vụ hoạt động cộng đồng; xe của gia đình hộ kinh doanh, xe đỗ trên các tuyến không thuộc phạm vi thu phí; trạm sạc xe điện, các thiết bị phục vụ giao thông công cộng.

Sở GTVT TPHCM thống kê toàn địa bàn có 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên và 929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên. Việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể đem lại nguồn thu ngân sách khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, số thu đối với lòng đường là 550 tỷ đồng/năm, số thu đối với vỉa hè là 972 tỷ đồng/năm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vừa nghe đề án thu phí vỉa hè, tiểu thương hét lớn: ’Chắc tôi trốn luôn’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO