Vựa cá chép đỏ nhộn nhịp trước Tết ông Công ông Táo

12/01/2023 06:30

Còn 2 ngày nữa là đến Tết "ông Công, ông Táo", những ngày này người dân nuôi cá chép đỏ ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đang tất bật kéo cá để chuyển đi bán khắp cả nước.

Thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương được xem là thủ phủ của cá chép đỏ để cúng vào dịp Tết ông Công ông Táo. Cứ đến ngày 20, 21, 22 tháng Chạp (âm lịch) hằng năm, người dân ở phố Cổ Hậu, Tân Cổ, Bái Trúc lại hối hả thu hoạch cá chép đỏ.

Anh Nguyễn Trọng Chiến ở phố Bái Trúc, cho biết, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề bán cá giống. Nhà anh có tổng diện tích 2,5ha làm ao nuôi cá giống. Tuy nhiên, dịp Tết năm nào anh cũng dành một vài ao (khoảng 5.000-7.000m2) để nuôi cá chép đỏ bán vào trước Tết ông Công, ông Táo.

Cá được bắt từ dưới ao nuôi chờ xuất đi.

Không chỉ là người nuôi cá, anh Chiến còn làm đầu nậu thu gom cá của các hộ dân để chuyển đi các tỉnh, thành trong cả nước. “Cá chép đỏ được người dân thu hoạch và nhập đi các tỉnh, thành như Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Nghệ An,... từ khoảng 15 tháng Chạp. Tính đến ngày 20 tháng Chạp, nhà tôi đã xuất đi hơn 4 tấn cá”, anh Chiến nói.

Cũng theo anh Chiến, cá chuyển đi xa với số lượng lớn thường nhộn nhịp từ ngày 15 đến 20 tháng Chạp. Trước đó, người dân phải thả lưới kéo cá lên, để cá nghỉ ngơi ổn định sức khỏe. Nếu vừa kéo lên đưa đi luôn cá sẽ sốc và chết.

Từ sáng 21 đến chiều 22 tháng Chạp, các ao nhỏ của hộ gia đình mới được bơm nước, kéo cá lên nhiều. Thời điểm này, cá chủ yếu bán cho thương lái nhỏ lẻ tại chợ.

Những hộ nuôi cá cho hay, năm nay cá chép đẹp, đều. Giá cá lại rẻ hơn năm ngoái, dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg. Với giá đó, nuôi cá chép đỏ bán Tết, các hộ dân cũng kiếm được vài chục triệu mỗi ao.

Anh Nguyễn Văn Tuấn làm nghề buôn cá giống đi khắp cả nước. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết ông Công ông Táo, anh lại nhập cá chép đỏ về bán đi các tỉnh.

Cá chép ở thị trấn Tân Phong có màu đỏ tươi nên được nhiều người ưa chuộng.

“Thời tiết và giá cả như năm nay là phù hợp. Từ mùng 10 tháng Chạp, tôi đã chuyển vào các tỉnh phía trong hơn 2 tấn cá. Từ 21 đến chiều 22 tháng Chạp, tôi chủ yếu bán lẻ cho các lái buôn quanh tỉnh”, anh Tuấn chia sẻ.

Theo người dân địa phương, sở dĩ cá chép Tân Phong được ưa chuộng bởi cá có màu đỏ tươi, khác với cá nơi khác là đỏ thẫm và nhạt màu. Người mua có quan niệm, những con cá đỏ tươi thể hiện sức sống mãnh liệt, khỏe mạnh để có thể đưa ông Công ông Táo lên trời thuận buồm xuôi gió.

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Tân Phong, toàn thị trấn hiện có hơn 300 hộ nuôi cá quanh năm, 3 tháng cuối năm tập trung nuôi cá chép đỏ. Mỗi năm, nơi đây cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục tấn cá vào dịp 23 tháng Chạp.

Nuôi cá đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Chính quyền địa phương đang có chính sách hỗ trợ, phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện về vốn cho người dân kinh doanh sản xuất. Ngoài ra, địa phương cũng tạo điều kiện cho bà con tích lũy quỹ đất, chuyển diện tích chuyên trồng lúa sang phối hợp nuôi trồng thủy sản.

Những ô nuôi cá tạm, chờ thương lái đến lấy hàng.
Nông dân chuẩn bị cho những chuyến hàng để xuất đi kịp trước Tết ông Công, ông Táo
Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vua-ca-chep-do-nhon-nhip-truoc-tet-ong-cong-ong-tao-2100104.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/vua-ca-chep-do-nhon-nhip-truoc-tet-ong-cong-ong-tao-2100104.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vựa cá chép đỏ nhộn nhịp trước Tết ông Công ông Táo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO