Chiều nay (26/11) phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) bước vào phần nghị án. Trước khi tòa nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.
Được nói đầu tiên, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil) xin nhận hoàn toàn trách nhiệm trong vụ án. Thậm chí, bị cáo còn xin nhận thêm tội danh và hình phạt 6-7 năm tù mà VKS đề nghị cho Nguyễn Thị Như Phương (cựu Phó giám đốc Xuyên Việt Oil).
Bắt đầu lời nói sau cùng, bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre) nhận lỗi về hành vi của mình, bày tỏ sự hối hận sâu sắc.
Ông Thọ khẳng định, trong suốt quá trình điều tra và truy tố, ông đã thành khẩn khai báo, luôn chủ động hợp tác với cơ quan điều tra. Đặc biệt, ông và gia đình đã nộp lại toàn bộ những quà tặng và tiền mà bà Hạnh đã tặng, nhằm khắc phục hậu quả của vụ án.
"Tôi xin lỗi Đảng và Nhà nước, xin lỗi Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bến Tre. Đặc biệt, tôi xin lỗi gia đình, vợ con, những người luôn ở bên cạnh chăm lo, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tôi trong suốt quá trình học tập và công tác, nhưng tôi lại để xảy ra điều đáng tiếc như hiện nay"- ông Thọ trầm giọng nói.
Ngoài ra, ông này cũng trình bày, trong quá trình công tác luôn mong muốn thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo tại địa phương, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Khi đảm nhận công tác tại tỉnh Bến Tre, mặc dù địa phương còn nghèo nhưng có nhiều tiềm năng phát triển, bị cáo đã cùng lãnh đạo địa phương hoạch định kế hoạch, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Tuy nhiên, chính vì những sai lầm trong quá trình triển khai đã khiến ông phải trả giá đắt.
Ông Thọ mong HĐXX xem xét áp dụng "chính sách khoan hồng đặc biệt" của Đảng, Nhà nước và pháp luật, để ông có cơ hội sớm trở về làm lại cuộc đời và tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện VKS ghi nhận phần bào chữa của luật sư cho bị cáo Thọ. Về luận điểm cho rằng ông Thọ không có thẩm quyền cá nhân trong việc phê duyệt hạn mức tín dụng và không can thiệp trái pháp luật vào quá trình này, VKS cho rằng với tư cách Chủ tịch HĐQT của Vietinbank, bị cáo Thọ có quyền triệu tập và điều hành các cuộc họp HĐQT để quyết định cấp hoặc gia hạn hạn mức tín dụng. Bị cáo có quyền bỏ phiếu đồng ý hoặc không đồng ý với các quyết định liên quan đến doanh nghiệp.
Mặc dù không có thẩm quyền cá nhân để phê duyệt, nhưng bị cáo Thọ đã bỏ phiếu đồng ý và ký quyết định cấp hạn mức tín dụng, điều chỉnh thời gian và giới hạn tín dụng cho công ty. Việc nhận tiền và bỏ phiếu đồng ý đã cấu thành hành vi phạm tội.
Trong giai đoạn 2, bị cáo Thọ đã để Công ty Việt Oil (công ty con của Xuyên Việt Oil) vay số tiền 400 tỷ đồng với điều kiện ưu đãi tín chấp 40%, trong khi công ty mẹ chỉ được cấp tín dụng với tín chấp 20%.
Về quan điểm của luật sư cho rằng việc truy tố bị cáo Thọ về tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" là không thuyết phục, VKS khẳng định việc truy tố hai tội danh, trong hai giai đoạn, là đúng người, đúng tội và không có sự bất lợi nào cho bị cáo.
Tự bào chữa, bị cáo Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) bật khóc, bày tỏ sự hối hận về hành vi của mình. Ông Thắng khẳng định, bản thân đã hợp tác hết mình với cơ quan chức năng để làm rõ vụ án; ông xin HĐXX xem xét hoàn cảnh và bối cảnh của vụ việc, tách biệt giữa nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội và trách nhiệm hình sự của mình.
Ông Thắng mong muốn có cơ hội để sửa sai, nhất là khi tuổi đã cao và đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, cần chăm sóc gia đình.