Đây là vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, nhiều cán bộ cao cấp bị bắt, nhiều tỉnh thành đều có dính líu. Số tiền ngân sách nhà nước, tức tiền thuế của dân, của nước là rất lớn. Những hệ lụy về tài sản, về lòng tin không thể khắc phục một sớm một chiều.
Rồi đây các bị cáo sẽ được đưa ra xét xử công khai và sẽ bị những hình phạt thích đáng về tội danh mà mình gây ra. Từ vụ án này có thế thấy cái xấu đã được tiếp tay như thế nào.
Sai phạm từ lãnh đạo thoái hóa, biến chất
Trong những người bị truy tố trong vụ Việt Á, có nhiều bị can giữ chức vụ cao như hai cựu ủy viên trung ương, cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh; cựu ủy viên trung ương, cựu bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng; ông Nguyễn Văn Trịnh, trợ lý phó thủ tướng; ông Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ...
Phải chỉ đúng tên sai phạm của những cán này đó là sự thoái hóa, biến chất, hay nặng hơn, như Đảng đã chỉ ra, là suy thoái.
Riêng hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long cho đến thời điểm hiện tại được xem là những người cao nhất, có vai trò lớn, trung tâm của vụ án đều được kết luận là đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, là vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm.
Từ một đề tài khoa học của nhà nước, họ đã tung hỏa mù rồi từ đó biến thành của một doanh nghiệp. Ông Chu Ngọc Anh đã ký quyết định phê duyệt giao Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp thực hiện đề tài, kinh phí thực hiện 18,98 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Quyết định này do ông Chu ngọc Anh ký là trái quy định tại Điều 26 Luật KH&CN.
Theo Cáo trạng, hai lãnh đạo Bộ KH&CN đều biết rõ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu đề tài thuộc về Nhà nước do Bộ trưởng Bộ KH&CN làm đại diện theo quy định của Luật KH&CN, Luật Quản lý tài sản công và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, khi được bị can Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế thuộc Bộ KH&CN, báo cáo trên cơ sở đề xuất đặt hàng của Học viện Quân Y, ông Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc đã thực hiện trái pháp luật, giúp Công ty Việt Á sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài.
Họ còn biết rất rõ những việc làm của họ là sai trái nhưng mà họ bất chấp. Ông Chu Ngọc Anh còn để Bộ KH-CN tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí về test kit Việt Á; trực tiếp ký quyết định khen thưởng, ký tờ trình đề nghị Thủ tướng khen thưởng Công ty Việt Á; chỉ đạo một thứ trưởng ký công văn gửi UBND TP.HCM giúp công ty được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba không đúng đối tượng.
Nếu như ông Chu Ngọc Anh có sai phạm tiếp tay để biến một đề tài khoa học của nhà nước thành của tư nhân thì ông Nguyễn Thanh Long là người tạo sức sống cho nó phát triển, nghĩa là biến nó thành tiền, rất nhiều tiền.
Ông Nguyễn Thanh Long biết rõ sản phẩm test kit Covid-19 là kết quả từ đề tài nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước, Công ty Việt Á không đủ điều kiện để được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm. Dù vậy, khi ông Phan Quốc Việt đề nghị, ông Long vẫn chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, rồi chính thức.
Quá trình kiểm tra giá hiệp thương test kit, đoàn kiểm tra phát hiện Công ty Việt Á sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất, có ý kiến đề nghị Bộ Y tế thu hồi số đăng ký của công ty, nhưng ông Long không chỉ đạo kịp thời. Đến thời điểm khởi tố vụ án, bị can cũng không ra kết luận kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Hai nhân vật này giữ vai trò then chốt của vụ án. Để sản phẩm đến với người dân con đường đi của nó thế nào? Hai ông có tác động gì không?
Hãy cứ lấy Hải Dương, nơi phát lộ vụ án, ra làm ví dụ để trả lời câu hỏi này.
CQĐT xác định, ông Phạm Xuân Thăng trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương được ông Nguyễn Thanh Long, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Y tế giới thiệu, đề nghị cho Công ty Việt Á về Hải Dương hỗ trợ xét nghiệm, phòng chống dịch.
Do vậy, tại các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vào năm 2021, Bí thư Phạm Xuân Thăng chỉ đạo UBND tỉnh ký hợp đồng với Công ty Việt Á.
Lại bắt đầu từ lãnh đạo cao nhất của một tỉnh. Và sau này nhiều CDC của các tỉnh dính vào cũng lại do sự chỉ đạo của những người cao nhất. Nếu không có những người cao nhất ấy chỉ đạo, không “đăng giá tham khảo” trên trang của bộ thì ai biết đường mà đặt hàng?
Cái gì đã biến họ thành tha hóa?
Cái đau của vụ án này chính là những người chủ chốt đều biết rất rõ những sai phạm mà vẫn cứ làm. Nếu họ liêm chính, nếu họ vì cái chung khi người dân thống khổ do dịch bệnh, chắc chắn vụ án không thể xẩy ra.
Họ làm như thế là do động cơ gì? Vì dân, vì nước hay vì cá nhân?
Chúng ta đều biết, đề tài khoa học mà Nhà nước giao cho họ là đang trong cơn “nước sôi, lửa bỏng”, là vì tính mạng của người dân đang bị đe dọa, là tình hình dịch bệnh đang diễn ra rất nguy cấp. Phải đặt trong hoàn cảnh ấy, thì mới biết được sự hệ trọng của đề tài, tính cấp bách của nó, từ đó mới thấy những việc làm của họ đến mức nào. Họ suy thoái về đạo đức lối sống.
Có người cho rằng số tiền lót tay 200.000 USD mà Phan Quốc Việt đưa cho ông Chu Ngọc Anh rồi ông để quên luôn ở cơ quan không nhớ tức ông không phải vì tiền?
Nhưng có người lại nghĩ khác vì ông đã quá nhiều tiền nên 200.000 USD đối với ông là không nghĩa lý gì.
Số tiền "cảm ơn", hay lót tay ấy rồi đây, trong phiên xét xử sẽ được làm sáng tỏ là do động cơ gì, có phải là đích đến để có những sai phạm ấy không cũng không khó để lý giải. Tuy nhiên, ông không phải truy tố về tội trạng nhận hối lộ? Việc định danh số tiền đó là điều mà nhiều người còn đang băn khoăn và cần được biện giải thỏa đáng, thuyết phục cho người dân.
Trong vụ án này có lẽ ông Long có vai trò to lớn nhất và cũng là người nhận được “số quà” lót tay lớn nhất với số tiền hối lộ lên tới 2,25 triệu USD từ Tổng giám đốc Công ty Việt Á.
Thì ra có lẽ mọi con đường đều dẫn đến tiền. Trong vụ án này, ông lớn ăn lớn, ông nhỏ ăn nhỏ. Ai “có công” giúp cho Việt Á “hái ra tiền”, giúp cho cái sai phát triển, cái sai lan rộng thì đều được hưởng.
Ngay cả ông Phạm Xuân Thăng chỉ tạo điều kiện để Công ty Việt Á được xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp, công nhân, người lao động ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng được Phan Quốc Việt trao 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng). Ông Phạm Duy Tuyến, khi đó là Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương đưa 600 triệu đồng và 50.000 USD cơ mà.
Câu hỏi cái gì biến họ sa ngã, tha hóa? Tham nhũng thì ngàn đời nay vẫn thế song ở mỗi người trong vụ án này lại có sự phát triển phong phú hơn, đa dạng hơn và cũng tài tình hơn. Có lẽ, những góc khuất ở họ sẽ còn được hé lộ ở phiên tòa sắp tới.
Nguyễn Đăng Tấn