Những ngày qua, sự việc một thầy giáo ở Đồng Nai tát học sinh khiến cho dư luận xôn xao bàn tán. Nhiều người cho rằng mối quan hệ thầy trò có thể phát sinh chuyện không thông cảm, không hiểu nhau nhưng hành vi đánh học sinh thì không thể được.
Trường THCS Ngô Thời Nhiệm |
Theo thạc sĩ Hà Thái Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội 2) thì người giáo viên không nên đánh học sinh dù với bất cứ lý do nào. "Đây là việc làm không có chuyên môn sư phạm, không phù hợp chuẩn mực của nhà trường, nhất là trong thời gian gần đây, bộ quy tắc văn hóa học đường cũng được nhắc đến nhiều, rồi có nhiều vụ việc liên quan đến cách ứng xử của giáo viên thiếu đạo đức mà người thầy vẫn không rút kinh nghiệm, không kiềm chế.
Trong cơ sở giáo dục là môi trường mô phạm, ở đó thầy phải tôn trọng học trò, thầy phải cảm hóa học trò, học trò có thể hiểu không đúng về mình thì mình phải tìm cách thuyết phục, ngay cả học trò có khuyết điểm đi nữa cũng phải định hướng để giáo dục... Đó là lý do vì sao học sinh cần đến trường để được dạy. Nếu trò sai mà thầy dùng vũ lực để dạy học trò thì phản giáo dục rồi.
Các em học sinh tuổi còn nhỏ nên dù các em có sai, có hỗn xược thì thầy cô vẫn phải biết kiềm chế. Thầy giáo có thể nhờ nhà trường can thiệp, có biện pháp giáo dục cứng rắn hơn chứ không phải mất bình tĩnh tát học sinh như vậy.
Tôi nghĩ rằng đòn roi không bao giờ làm nên nhân cách học trò, cũng khó để trò kính phục người thầy, tình nguyện làm theo những gì người thầy hướng dẫn. Đã là một nhà giáo thì phải cảm hóa học sinh bằng tình thương, cảm hóa bằng việc tôn trọng, yêu thương, đó mới là giáo dục", thạc sĩ Hà Thái Hương nói.
Vị chuyên gia này phân tích thêm, nếu học sinh mắc lỗi ở trên lớp, giáo viên có quyền phạt học sinh để cho các em tiến bộ. Tuy nhiên, cách phạt của thầy giáo Đồng Nai là sai vì thầy đã xúc phạm đến thân thể các em. Trong môi trường giáo dục, nếu dùng bạo lực để giáo dục học sinh chỉ khiến học sinh thêm ức chế chứ không khiến các em sửa lỗi.
Xét về mối quan hệ giữa con người với con người, đặc biệt là người lớn đối với người ít tuổi hơn thì cũng không bao giờ được ứng xử như vậy. Đánh ai đó một cách tàn bạo mà do không kiềm chế được bản thân thì không thể chấp nhận được.
Các em học sinh đang ở độ tuổi bồng bột, do vậy nhà trường phải xây dựng được văn hóa ứng xử chuẩn mực, trong đó học sinh cũng phải được tôn trọng.
Sự việc tát học sinh cho thấy thầy giáo đã thiếu kỹ năng sư phạm cũng như kỹ năng ứng xử với học sinh và đạo đức nhà giáo. Từ những cái thiếu ấy dẫn đến chuyện thầy giáo non kinh nghiệm, không kiềm chế được bản thân.
“Ở đây cũng phải nhắc tới sự ảnh hưởng từ môi trường đào tạo ra các giáo viên. Ở trường sư phạm, nhà trường cần đào tạo đầy đủ các kỹ năng ứng xử, giao tiếp, nghề nghiệp cho sinh viên trước khi bước vào nghề để không mắc lỗi tối thiểu như thế”, chuyên gia Hà Thái Hương nói.
Trước đó, dư luận được phen xôn xao khi trường THCS Ngô Thời Nhiệm, huyện Định Quán (Đồng Nai) đã xảy 2 sự việc đáng buồn. Cụ thể, tại lớp 9.8, trong tiết Tin học, thầy Phạm Quang Hòa đã tát 2 cái vào một nam học sinh trong quá trình hỏi bài cũ. Còn tại lớp 7.8, trong tiết Lịch sử, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hường đã lấy sách, vở của một học sinh thả rơi xuống đất ngay trên bục giảng.
Trong bản tường trình, cô Hường cho hay khi cô đang dạy thì có em học sinh nói chuyện và cười làm mất trật tự trong lớp. Lúc này cô Hường gọi em lên kiểm tra vở xem có chép bài không. Sau đó cô thả sách, vở của em học sinh này xuống đất nhằm mục đích kiếm tờ ghi bài môn Lịch sử chứ cô không cố ý.
Còn thầy giáo Phạm Quang Hòa cho biết lúc kiểm tra bài cũ phát hiện vở của học sinh T.Đ.G.H ghi không đầy đủ. Thầy Hòa không la mắng hay đánh đập và cho về chỗ. Thế nhưng không hiểu sao em này vỗ ngực 3 đến 4 cái rất thô thiển, vô lễ và cười nhạo trước mặt nên thầy mới đánh (tát vào mặt). Thầy Hòa nói rằng dụng ý chỉ hù em đó thôi, do video cắt ngắn nên nhìn tốc độ nhanh chứ thực tế thầy giơ tay lên chậm và em đó đưa tay đỡ.
Liên quan đến sự việc này, ông Ngô Đăng Thành, Trưởng phòng GD-ĐT Huyện Định Quán (Đồng Nai) cho biết, trong ngày 26/4 Ban giám hiệu Trường THCS Ngô Thời Nhiệm đã họp hội đồng sư phạm để xử lý. Tại buổi làm việc, các thành viên đã bỏ phiếu phương án xử lý có kỷ luật. Hai thầy, cô giáo mắc lỗi cũng đã trình bày bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Sắp tới Trường THCS Ngô Thời Nhiệm sẽ thành lập Hội đồng kỷ luật để quyết định hình thức kỷ luật.
Hoàng Thanh