Vụ Tân Hoàng Minh: Trách nhiệm công ty tư vấn phát hành trái phiếu đến đâu?

06/06/2022 22:18

Nêu sự việc Tân Hoàng Minh, Bộ Tài chính cho biết một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán, định giá… đang bị thanh kiểm tra, xử lý.

Tại báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu một số vấn đề về hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đưa ra các giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.

Thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi

Đối với tình hình thị trường, Bộ Tài chính cho biết thị trường vốn trong nước có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, riêng năm 2021 là 33,2%.

Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn ước đạt 134,5% GDP năm 2021, trong đó vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP; quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 16,4% GDP. Bộ Tài chính cho biết các chỉ số này đã cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng (quy mô dư nợ tín dụng là 131,8% GDP).

Thông qua thị trường vốn, tổng mức huy động vốn được trong năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Vụ Tân Hoàng Minh: Trách nhiệm công ty tư vấn phát hành trái phiếu đến đâu? - 1

Bộ Tài chính nêu ra một loạt tồn tại, hạn chế trên thị trường vốn, trong đó có nhắc đến vụ FLC, Tân Hoàng Minh (Ảnh: CTV).

Bộ Tài chính đánh giá trên thị trường cổ phiếu, chứng khoán phái sinh thời gian qua, đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh dẫn tới phát sinh rủi ro như một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu riêng lẻ.

Ngoài ra, một số tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá...) chưa tuân thủ quy định pháp luật trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư, đang bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, như vụ việc của Tân Hoàng Minh; tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn cho mục đích không rõ ràng.

Không thấy nhắc tới trách nhiệm của cơ quan quản lý

Về nguyên nhân, ở góc độ thực thi, Bộ Tài chính cho rằng đầu tiên do tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành chưa cao, có doanh nghiệp cố tình vi phạm và thông đồng với các công ty chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ để thực hiện các hành vi gian lận trên thị trường.

Thứ hai, nhận thức của nhà đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, dù đã được thông tin, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông, tin đồn, chưa có kinh nghiệm phân tích, khả năng quản lý tài chính, đầu tư. Thậm chí, có nhiều cá nhân đã đầu tư theo hình thức hợp đồng góp vốn do đó không được coi là chủ sở hữu trái phiếu.

Lý do cuối cùng mà Bộ Tài chính đưa ra là tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao, một số tổ chức trung gian (ngân hàng, công ty chứng khoán) cung cấp thông tin không đầy đủ để lôi kéo khách hàng cá nhân. Ngoài ra, có trường hợp doanh nghiệp hỗ trợ lập hồ sơ chào bán có thông tin chưa chính xác, hoặc hỗ trợ hợp thức hóa hồ sơ xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để được mua trái phiếu riêng lẻ.

Vụ Tân Hoàng Minh: Trách nhiệm công ty tư vấn phát hành trái phiếu đến đâu? - 2

(Biểu đồ: Văn Hưng).

Ở góc độ pháp lý, cơ quan chức năng cho biết thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nhanh trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, chính điều này đã phát sinh nhiều hành vi vi phạm tinh vi, gian lận trong khi quy định về mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe; quy định về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi kiểm tra, thanh tra chưa đảm bảo khả năng giám sát toàn diện đối với những hành vi vi phạm mới phát sinh; điều kiện phát hành trái phiếu và điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán tương đối thấp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho rằng thị trường vẫn trong giai đoạn đầu phát triển nên còn bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý. Trước tác động của các thông tin quốc tế và trong nước bất lợi, các tin đồn thất thiệt, lo ngại về yếu tố dòng tiền, áp lực lạm phát nên thị trường chứng khoán đã có nhiều phiên giảm mạnh thời gian gần đây.

Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ Tài chính khẳng định sẽ triển khai nhiều đồng bộ các giải pháp như phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ; hoàn thiện khung pháp lý; tổ chức điều hành thị trường; quản lý giám sát; cải thiện chất lượng cầu đầu tư; tuyên truyền.

Trong đó, Bộ Tài chính có kế hoạch quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Cơ quan quản lý cũng sẽ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ Tân Hoàng Minh: Trách nhiệm công ty tư vấn phát hành trái phiếu đến đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO