Để tránh những va chạm dẫn đến những điều không đáng tiếc xảy ra trong các vụ va chạm tai nạn giao thông, chia sẻ với PV Infonet, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, khuyến cáo với người tham gia giao thông nên có những cư xử văn minh.
Lái xe ô tô bị nhóm người quây đánh. |
Theo luật sư Diệp Năng Bình, trong những năm gần đây, an toàn giao thông (ATGT) đang là vấn đề lớn, phức tạp được cả xã hội quan tâm. Mặc dù trên một số tuyến đường đều có các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền với nội dung về văn hóa giáo thông, như: “Một người chấp hành luật giao thông, đem lại hạnh phúc cho nhiều người”, “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà”, “An toàn giao thông là trách nhiệm của mỗi người, hạnh phúc của mọi nhà”... những khẩu hiệu này vừa là tuyên truyền, nhắc nhở và cũng là lời cảnh báo tới những người tham gia giao thông phải luôn chấp hành nghiêm các quy định nhằm đem lại an toàn cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông của rất nhiều người đang ở tình trạng nguy hiểm.
“Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay là do ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông còn chưa cao. Có một nghịch lý là hằng năm tỷ lệ gia đình được tặng chứng nhận “Gia đình văn hoá” tương đối cao nhưng khi tham giao giao thông thì còn rất nhiều người lại có hành vi chưa văn hoá.
Nhiều người khi tham giao thông còn uống rượu, bia, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ; trẻ em chưa đủ tuổi lái xe cũng tham gia điều khiển phương tiện giao thông; nhiều người lái xe dừng, đỗ xe trái quy định.... Đó chính là những biểu hiện kém về mặt ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Hơn thế nữa, khi xảy ra va chạm, tai nạn, thay vì có văn hóa ứng xử phù hợp thì lại chửi bới, lao vào đánh nhau, đập phá tài sản của người khác gây mất an ninh trật tự, gây ách tắc giao thông và kéo theo các hành vi vi phạm pháp luật khác”, luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.
Vụ việc gây bàng hoàng mới đây, từ một mâu thuẫn khi tham gia giao thông, nhóm người đi xe máy đã hành hung tài xế xe Mercedes, đập phá xe, chủ xe sau đó truy đuổi người hành hung gây nên vụ án mạng trên đường TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. |
Đơn cử như vụ việc xảy ra mới đây nhất ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mâu thuẫn xảy ra giữa tài xế lái xe ô tô Mercedes Phạm Văn Nam (SN 1979, quê Ninh Bình), trong quá trình tham gia giao thông, xe ô tô suýt va chạm với người đi xe máy. Vụ việc nhẽ ra không có gì để nói nếu sau đó nhóm người đi xe máy không đuổi theo rồi lao vào hành hung nhóm Nam.
Và cũng sẽ không có sự việc đáng tiếc xảy ra sau đó nếu Nam đã thoát ra được rồi lại lên ô tô điều khiển xe chạy lòng vòng và đâm vào nhóm người đi xe máy làm Hà Xuân H. (SN 1979, ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) tử vong tại chỗ.
Từ vụ việc này, luật sư Diệp Năng Bình khuyến cáo: “Cách xử lý khi bị tai nạn giao thông, đầu tiên và quan trọng nhất là cần giữ bình tĩnh. Chúng ta không thể thay đổi được sự cố đã xảy ra nên cần bình tĩnh để dừng xe, đánh giá tình hình và xử lý các bước tiếp theo. Lúc này, chúng ta cần cố gắng giữ vững tâm lý, kiềm chế cảm xúc, tránh kích động cho dù bạn là người có lỗi hay không.
Nhiều người sẽ nổi nóng khi gặp tai nạn giao thông. Việc nóng nảy, kích động, tranh cãi với chủ phương tiện khác không đem lại lợi ích gì. Mà chỉ làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn.
Chú ý cho dù vụ tai nạn không phải lỗi của mình hay chỉ là va chạm nhẹ thì bạn cũng cần dừng xe, tuyệt đối không lái xe đi luôn khi có va chạm xảy ra. Việc này để giúp mọi việc rõ ràng, tránh bị truy cứu phức tạp về sau.
Trong trường hơp bị ăn vạ hay bị tấn công thì cố gắng ngồi yên trên xe gọi điện thoại cho lực lượng công an và cảnh sát 113 hoặc nhờ những người đi đường giúp đỡ để tránh tình trạng bị kích động như người tài xế trong đoạn clip ở Bình Thuận vừa qua.
Khi xem clip thì thấy, chỉ vì va chạm giao thông mà những người trong cuộc không giữ được bình tĩnh dẫn đến hậu quả hết sức đáng tiếc là có người tử vong. Điều này cũng là bài học cho những người tham gia giao thông, va chạm như thế nào thì cũng để cơ quan chức năng phân xử, không thể sử dụng bạo lực để giải quyết”.
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, nếu kết quả điều tra cho thấy người điều khiển chiếc ô tô này có mục đích đâm xe vào nạn nhân mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả nạn nhân có thể tử vong thì đây xác định là lỗi cố ý với mục đích nhằm tước đoạt tính mạng của nạn nhân, hành vi này thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành của tội "Giết người" được quy định tại Điều 123 (BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
Nếu bị khởi tố về tội giết người thì chiếc xe ô tô hiệu Mercedes sẽ được xác định là phương tiện gây án, sẽ bị tịch thu sung công quĩ nhà nước nếu người tài xế đồng thời là chủ xe. Từ bài học đó, chúng ta cần ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, tránh tình trạng “ăn thua” với nhau khi va chạm.
Hải Ngọc