Mẹ mất con, vợ mất chồng, trẻ thơ mồ côi bố
Trong những gia đình có người tử nạn, có lẽ gia cảnh của bà Hồ Thị Mỹ Nhung (62 tuổi, thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn) bi thương hơn cả.
Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến bà Nhung vừa mất con trai là anh Hồ Ngọc Luân (24 tuổi) vừa mất con rể là anh Ngô Thanh Trực (37 tuổi, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước).
Bà Nhung kể, bà có 6 người con, Luân là con trai út và là con trai duy nhất của bà. Trước đây, Luân làm nghề sửa chữa máy vi tính, nhưng từ ngày bà mắc bệnh ung thư vú, thường xuyên phải đi hóa trị, Luân nghỉ việc để đi làm thợ xây kiếm thêm thu nhập lo cho mẹ.
"Nó nói ngày trước con chỉ cầm cây bút điện, trục vít đâu có làm gì nặng nhọc. Giờ má bệnh tật thì việc gì nặng nhọc mấy miễn có tiền là con làm hết. Ai ở xa gần đều nói có thằng trai duy nhất chịu khó làm ăn mà giờ mất rồi...", bà Nhung khóc nghẹn.
Gạt nước mắt, bà Nhung nói tiếp: "Đông con khổ nhưng vợ chồng nghĩ có đứa con trai sau này già yếu để nhờ cậy. Nào ngờ, nó chết còn bỏ lại vợ và 2 con nhỏ dại, tôi thì bệnh hoạn. Giờ cháu nội, cháu ngoại đều mồ côi".
Bế con nhỏ chưa đầy 2 tháng tuổi, chị Huỳnh Thị Diện (23 tuổi), vợ anh Luân nói trong tiếng nấc nghẹn.
Chị Diện kể, lúc anh Luân mới xin đi làm thợ hồ thì chủ sai gì làm nấy. Sau này thấy anh chịu thương chịu khó nên chủ thầu bày học nghề thợ xây. Anh Luân về nhà xin bố 2 cái bay để "khởi nghiệp".
"Cách đây 1 tuần, chủ thầu cho học tô tường nên bố tôi mua cho bộ đồ nghề mới, chờ tối đi làm về lấy, nào ngờ anh ấy ra đi luôn", người vợ trẻ ôm con thơ, giàn giụa nước mắt nhớ hình ảnh cuối cùng của chồng
Cháu Hồ Huỳnh Trúc Quỳnh (3 tuổi), con gái đầu anh Luân, hồn nhiên ngồi trong lòng bà ngoại nghịch chiếc điện thoại. "Cháu chưa hiểu ba mất là gì nhưng chỉ hỏi: "ba của con nằm đây đi đâu rồi bà ngoại?". Tối qua đến giờ cháu không thấy ba đâu, cứ khóc đòi", bà Nguyễn Thị Liễu ngậm ngùi.
Không chỉ mất người con trai duy nhất, gia đình bà Nhung còn mất người con rể, chồng của chị gái anh Luân. Anh Trực cũng là lao động chính của gia đình nhỏ. Anh đột ngột ra đi để lại chị Linh, vợ anh, và hai con nhỏ 10 tuổi và 5 tuổi.
Vợ chồng nghèo cùng làm thợ xây, một người ra đi mãi
Ngày 16/9, trong khi gia đình chuẩn bị tổ chức tang lễ cho anh Phạm Đức Tài (39 tuổi, trú xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) thì vợ anh, chị Nguyễn Thị Hoan (37 tuổi) vẫn nằm điều trị tại bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương.
Cả hai vợ chồng chị Hoan đều là nạn nhân trong vụ tai nạn lao động thương tâm này.
Vợ chồng chị Hoan có 2 con, một cháu lớp 8, một cháu lớp 10, kinh tế gia đình khó khăn. Anh Tài làm thợ xây, dẫn theo vợ phụ hồ để kiếm tiền nuôi con ăn học.
"Nghe tin chồng mất, Hoan không ngồi dậy được nhưng cứ đòi về để nhìn mặt chồng lần cuối, lo đám tang cho chồng. Hai đứa con ở nhà thì khóc ngất, hỏi thăm mẹ liên tục. Tôi sợ về nhà thấy cảnh chồng mất, Hoan bị sốc mà sức khỏe chưa ổn, lỡ có chuyện gì xảy ra thì lại ân hận", chị gái của chị Hoan nói.
Theo bác sĩ CK2 Trương Kim Hùng, Trưởng khoa Ngoại chấn thương - bỏng, bệnh viện kiểm tra, xác định chị Hoan bị chấn thương ở vùng đầu, không đảm bảo sức khỏe để xuất viện về nhà lo tang lễ.
Cùng cảnh vợ chồng nghèo đi làm thợ xây mưu sinh, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Quang (41 tuổi, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) và chị Nguyễn Thị Thanh Ái (34 tuổi) cũng đều là nạn nhân. Anh Quang đang nằm viện điều trị thương tích, còn vợ anh đã không qua khỏi.
Vợ chồng anh Quang có 2 con, trong đó cháu lớn đã học lớp 10, cháu nhỏ mới học mầm non. Anh Quang cũng làm thợ xây, chị Ái làm phụ hồ. Hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng bất kể nắng mưa, cực nhọc để kiếm tiền nuôi con.
Buổi chiều xảy ra vụ tai nạn, anh Quang đứng trên giàn giáo để tô tường, còn chị Ái phụ hồ bên dưới. Khi bờ tường ngã, 2 vợ chồng đều bị đè bên dưới nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, trong đêm 15/9, chị Ái không qua khỏi do vết thương quá nặng.
Đến chiều tối 16/9, anh Quang mới biết được vợ mình đã mất. Dù đang thương tích nặng, anh vẫn ráng xin các bác sĩ cho về nhà để lo đám tang cho vợ.
"Tôi hỏi thăm đứa em gái liên lạc để nói chuyện với vợ nhưng nó giấu chị đang cấp cứu. Tôi đâu có ngờ vợ tôi đâu còn nữa", anh Quang đau đớn nói.
Theo ông Nguyễn Văn Quí, Phó Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Tuy Phước, huyện này có 3 nạn nhân tử vong và 4 người bị thương trong vụ sập bờ tường ở Khu Công nghiệp Nhơn Hòa.
Hầu hết các nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình nhưng không có việc làm ổn định, kinh tế khó khăn.
UBND huyện Tuy Phước đã đến nhà thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân tử vong 5 triệu đồng, mỗi nạn nhân bị thương 3 triệu đồng. Chính quyền xã Phước Hiệp và Phước Sơn cũng hỗ trợ với mức tương tự cho các nạn nhân và gia đình nói trên.
Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, vừa qua đơn vị cũng tổ chức đoàn kiểm tra công tác an toàn lao động ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, chấn chỉnh nhiều doanh nghiệp tăng cường an toàn lao động và sử dụng lao động. Đặc biệt là trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác mỏ, đây là những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất.
"Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại địa phương lần này lời cảnh tỉnh đối với chủ sử dụng lao động, cần tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, trước hết là cho doanh nghiệp, sau đó là người lao động", ông Quang nói.