Vụ phần mềm gián điệp Pegasus, do Tập đoàn NSO của Israel sản xuất đã bị truyền thông quốc tế phanh phui ngày 18/7. (Nguồn: Live Law) |
Phát biểu trên đài phát thanh France Inter, người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal nói: "Tổng thống đang theo dõi sát sao và coi đó là một vấn đề hết sức nghiêm trọng".
Ông Macron cũng kêu gọi tiến hành một loạt cuộc điều tra về vụ phần mềm gián điệp trên. Các phương tiện truyền thông đưa tin, Tổng thống Macron là một trong số các nhà lãnh đạo thế giới bị tấn công bởi phần mềm gián điệp Pegasus.
Trước đó, hôm 20/7, báo Le Monde của Pháp đưa tin, điện thoại di động của Tổng thống Emmanuel Macron và 15 thành viên chính phủ Pháp khi đó có thể nằm trong số các mục tiêu tiềm năng bị theo dõi hồi năm 2019 thông qua phần mềm Pegasus nhân danh một cơ quan an ninh Morocco.
Phủ Tổng thống Pháp nhấn mạnh, nếu thông tin tiết lộ về điện thoại của ông Macron là sự thật, thì điều ngày rất nghiêm trọng. Chính quyền Pháp sẽ điều tra để làm sáng tỏ tất cả thông tin trên.
Vụ phần mềm gián điệp Pegasus, do Tập đoàn NSO của Israel sản xuất, bí mật thu thập thông tin của 50.000 số điện thoại di động của các nhà hoạt động, nhà báo cũng như chính trị gia từ năm 2016 đã bị truyền thông quốc tế phanh phui ngày 18/7.
Ba tờ nhật báo gồm Washington Post, Guardian, Le Monde cùng nhiều cơ quan báo chí khác đã phối hợp điều tra và công bố thông tin nói rằng, nhiều khách hàng của NSO tập trung ở 10 quốc gia gồm Azerbaijan, Bahrain, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Mexico, Morocco, Rwanda, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Riêng Mexico, có tới 15.000 số điện thoại nằm trong danh sách được cho là bị Pegasus theo dõi. Trong số các nhân vật bị theo dõi ở Mexico có 25 nhà báo và thậm chí cả với những người thuộc phe Tổng thống cánh tả Andres Manuel Lopez Obrador trước thời điểm ông nhậm chức.
Ngày 21/7, Mexico thông báo đang điều nghi án tham nhũng liên quan đến vụ mua bán phần mềm độc hại Pegasus trị giá 32 triệu USD.
Trả lời phỏng vấn truyền thông, người đứng đầu Cục Tình báo Tài chính Mexico (UIF) Santiago Nieto thông báo, cuộc điều tra tập trung vào hai công ty Balam Seguridad Privada và Grupo Tech Bull, có trụ sở tại Mexico.
Công ty Grupo Tech Bull đã nhận được hợp đồng với văn phòng Tổng chưởng lý để mua phần mềm gián điệp Pegasus trị giá 32 triệu USD vào năm 2014, thời điểm ông Enrique Pena Nieto của đảng Cách mạng Thể chế (PRI) là Tổng thống.
Cũng theo ông Santiago Nieto, công ty KBH liên kết với Grupo Tech Bull phụ trách việc chuyển tiền cho NSO và khoản tài chính cuối cùng được chuyển đến Italy, Mỹ và Israel, do đó Grupo Tech Bull bị nghi ngờ là một công ty bình phong.
Ngoài ra, Mexico đang điều tra nghi án rửa tiền, trốn thuế và sẽ phong tỏa tài khoản của 24 người có liên quan đến vụ việc này.
Theo cuộc điều tra về dự án Pegasus, trong số các cơ quan chức năng Mexico đã mua phần mềm gián điệp này có Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo An ninh quốc gia.
Tuy nhiên, Tổng thống Mexico Lopez Obrador khẳng định, các nhà chức trách hiện chỉ theo dõi tội phạm chứ không theo dõi các đối thủ chính trị hay phóng viên.