Báo động
Trong bài thơ Lượm có câu thơ “Chú bé loắt choắt”. Thông qua nhân vật Lượm, nhà thơ phác họa hình ảnh thiếu niên làm công tác liên lạc trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, hình tượng đẹp đẽ của các giao liên đang bị bóp méo trong những ngày qua. Trên TikTok một đoạn rap chế lời do 2see thực hiện và DJ FWIN phối nhạc làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của bài thơ.
Những hình ảnh phản cảm gắn phần lời chế bôi nhọ nhân vật lịch sử
Cụ thể, trong lời rap mang tính miệt thị hình tượng lịch sử: “chú bé loắt choắt - cái đầu cắt moi” và nhiều ca từ nhảm nhí. Những ca từ có phần miệt thị, bóp méo hình tượng lịch sử được lan truyền mạnh mẽ khi hàng trăm tài khoản TikTok sử dụng phần rap chế để lồng ghép ảnh. Những bức ảnh được lồng ghép cũng vô cùng phản cảm: học sinh quậy phá trong lớp, ngả ngớn tạo dáng, thậm chí khoe thân...
Lượt người sử dụng lớn đẩy phần nhạc nền lên xu hướng, từ đó hàng trăm clip khác lại được sản xuất dưới nền nhạc này. Thậm chí từ khoá chubeloatchoat bổ mắt đã trở thành xu hướng trong gợi ý khi người dùng đang tìm kiếm trên TikTok. Đến sáng 26/4, từ khoá #chubeloatchoat có tới 23,2 triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội này.
PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, đối tượng sử dụng mạng xã hội thuộc nhiều nhóm tuổi. Tuy nhiên, anh bày tỏ lo ngại riêng với TikTok, nhiều nghiên cứu chỉ ra nhóm người dùng ở độ tuổi từ 10-14 dành nhiều thời gian nhất cho mạng xã hội này.
“Nhóm tuổi này chưa có lập trường vững vàng, thiếu tư duy phản biện, đôi khi chưa phân biệt được nội dung thật - giả”, PGS.TS Trần Thành Nam nói. Trong khi đó, nhiều chủ kênh mạng xã hội tìm cách nổi tiếng thông qua chiêu trò, từ đó thu về lượt xem, lượt thích “khủng”.
Một bộ phận giới trẻ chưa có kiến thức, kinh nghiệm đầy đủ trong việc tiếp thu tri thức nên việc chọn lọc, đánh giá nguồn tin còn hạn chế. TS Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) nhận định: “Khi thấy những bài nhạc chế và học theo khiến những thông tin sai lệch đi sâu vào tâm trí các em, làm cái nhìn về tác phẩm văn học, nhân vật lịch sử có thật bị bóp méo”.
Dẹp nội dung xấu độc
Trong khi khả năng chọn lọc và đánh giá nguồn thông tin còn hạn chế, giới trẻ liên tục tiếp cận với vô vàn sản phẩm văn hóa không lành mạnh, những bài hát với ngôn từ sáo rỗng, mang tính xuyên tạc, bôi nhọ các nhân vật lịch sử... trên không gian mạng.
Với những thông tin sai lệch mà giới trẻ phải tiếp xúc hằng ngày tạo nên thái độ thiếu biết ơn với các thế hệ đi trước. Bởi họ sẽ không hiểu sự hi sinh của các thế hệ đi trước. Những video clip nhạc chế cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách giới trẻ, do họ liên tục bắt chước cách sống, suy nghĩ, cách ứng xử theo video clip trên mạng.
TikTok gợi ý xu hướng gắn với phần lời chế ở thanh tìm kiếm
Sâu xa hơn nữa, TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, sau thời gian dài tiếp xúc với những văn hóa phẩm không lành mạnh sẽ khiến tình yêu nước của một bộ phận giới trẻ dần mai một.
“Đây là một trong những lỗ hổng, điểm yếu để các thế lực thù địch lợi dụng. Khi nhận thức của thế hệ trẻ dễ bị lôi kéo, dẫn dắt một cách sai lệch theo những thông tin không chính thống, xuyên tạc, thậm chí là những thông tin của các thế lực thù địch mang tính kích động hoặc bôi xấu chế độ”, TS. Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ với Tiền Phong.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tích cực chấn chỉnh hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của mạng xã hội xuyên biên giới, tiêu biểu là mạng xã hội TikTok.
Đầu tháng 4 vừa qua, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH-TTĐT, Bộ TT&TT) cho biết: “Sau thời gian phát triển đến cực thịnh của nền tảng mạng xã hội, giờ đây là thời cực thịnh của nền tảng video ngắn, mà TikTok là đại diện tiêu biểu”.
Sáu sai phạm lớn của TikTok được cơ quan chức năng phân tích và tổng hợp, trong đó có việc sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
Theo ông Lê Quang Tự Do, những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng, tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Những video không lành mạnh khiến giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống.
Những nội dung độc hại vẫn không ngừng tăng lên, được lan truyền một cách chóng mặt nhờ thuật toán của TikTok. Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, việc thanh tra, kiểm soát nền tảng mạng xã hội TikTok gặp khó do máy chủ đặt ở nước ngoài. Anh cho rằng nếu máy chủ đặt ở Việt Nam, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm soát được những nội dung được đăng tải.
“Việt Nam cũng xây dựng cơ chế chặn lọc thông tin nhưng chúng ta không đủ thời gian, nguồn lực để nhận diện và loại trừ thông tin xấu, độc”, chuyên gia phân tích.
Để giải quyết tình trạng này TS Nguyễn Tuấn Anh đề xuất, cần tuyên truyền sâu, rộng để người dùng hiểu và có ý thức tạo đề kháng, biết cách lựa chọn những sản phẩm văn hóa trên mạng, đồng thời, kết hợp giáo dục về các giá trị thẩm mỹ cho người trẻ, để cho người trẻ để họ nhận thức được “cái đẹp cần tôn vinh, cái xấu cần phải lên án”.
Theo Tiền Phong