Trung Nguyên công bố đơn cầu cứu của 5.000 người lao động
Mới đây, trên website chính thức, Tập đoàn Trung Nguyên đã công khai đơn cầu cứu của 5.000 người lao động tại Trung Nguyên.
Nội dung của đơn kêu cứu nêu: Thương hiệu Trung Nguyên được ông Đặng Lê Nguyên Vũ và cha mẹ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là ông Đặng Mơ và bà Lê Thị Ước góp vốn thành lập vào ngày 15.8.1996. Hơn hai năm sau khi khởi nghiệp, năm 1998, ông Vũ kết hôn với bà Thảo. Dó đó, bà Thảo không phải là người sáng lập Trung Nguyên.
Ngày 17.11.2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nộp đơn xin li hôn yêu cầu phân chia tài sản với ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Tòa án nhân dân TPHCM. Từ đó đến nay, bà Thảo đã liên tục có phát sinh tranh chấp kiện tụng.
Đơn của Công đoàn cơ sở Trung Nguyên nêu rõ: "Điều đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và quyền lợi hợp pháp của người lao động. Nghiêm trọng hơn, bà Thảo đã liên tục có những đơn vu cáo gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, Cơ quan CSĐT Bình Dương với nội dung bịa đặt thông tin sai sự thật về việc ông Vũ mất năng lực hành vi dân sự.
Ngoài ra, đơn cũng nói "bà Thảo còn vu cáo và khủng bố tinh thần đối với một số lãnh đạo chủ chốt, các cấp quản lí và người lao động của Tập đoàn Trung Nguyên về việc cho rằng những người này đã thao túng, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của Trung Nguyên, vu cáo người lao động và Công ty Trung Nguyên làm giả hồ sơ, tài liệu".
Ban chấp hành công đoàn cơ sở - Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên cũng cho hay, thời gian qua ban đã nhận được rất nhiều đơn thư khiếu nại từ người lao động, về việc đề nghị Ban chấp hành công đoàn xem xét, hỗ trợ giúp đỡ người lao động có thể an tâm làm việc, tạo môi trường làm việc thuận lợi, giúp bảo vệ uy tín, danh dự vào nhân phẩm của người lao động trước những tin tức bôi nhọ, xúc phạm được đăng tải trên các báo chí, truyền thông từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo."
Bà Thảo nói Thẩm phán "sai sót nghiêm trọng"
Ngay trước phiên toà xử vụ ly hôn diễn ra vào sáng nay (18.11), phía bà Thảo cũng đã gửi đơn tố giác đến Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tố cáo đích danh Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân của Tòa án Nhân dân TPHCM đã có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án do cơ quan này thụ lý số 499/2015/TLST-HNGĐ ngày 17.11.2015.
“Một sai sót nghiêm trọng nữa trong quá trình tố tụng và xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa được phát hiện”, đơn tố cáo viết.
Cụ thể, đơn tố cáo nêu:
"Ngày 23.8.2018 Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM – ông Trần Văn Châu - đã ban hành quyết định số 05/2018/QĐ-GQKN-TACC (gọi là “Quyết định 05”) với nội dung: Giữ nguyên quyết định chấp nhận khiếu nại của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và đưa Công ty Trung Nguyên International vào khối tài sản chung để phân chia trong vụ án ly hôn.
Quyết định 05 ghi rõ nơi nhận là Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM, Tòa án nhân dân TP.HCM và các đương sự."
Phía bà Thảo tố cáo: "Tuy nhiên Quyết định này đã không được tống đạt cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo (nguyên đơn) trong suốt thời gian trước, trong và sau khi diễn ra vụ xét xử sơ thẩm vụ ly hôn. Nghiêm trọng hơn, Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân - Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm cũng không đưa Quyết định 05 vào hồ sơ chứng cứ vụ án mà tự đưa ra nhận định: tách yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng Trung Nguyên tại công ty Trung Nguyên International Ptd Ltd (Singapore) ra khỏi vụ án ly hôn, thành một vụ án khác (nội dung 1.9 trang 37, 38 của bản án ly hôn), dẫn tới hậu quả sai sót đặc biệt nghiêm trọng trong bản án sơ thẩm."
Theo đại diện truyền thông của bà Lê Hoàng Diệp Thảo: "Cho tới tận ngày 20.6.2019 bà Thảo mới tự phát hiện ra Quyết định này. Chính vì thế, ngày 24.6.2019, bà Thảo đã làm đơn tố giác về hành vi cố tình làm sai lệch của vụ án đối với Bản án ly hôn sơ thẩm và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, khởi tố bị can để truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm bảo vệ chuẩn mực trong hoạt động của Cơ quan tư pháp, bảo về quyền lợi hợp pháp của công dân."