Vũ khí Iran tham chiến ở Ukraine, Israel tính quay lưng với Nga

19/10/2022 17:30

Các nguồn tin quốc phòng Israel nói với Breaking Defense rằng sự hợp tác giữa Iran và Nga ở Ukraine có thể đã thay đổi tính toán về lập trường trung lập của Israel đối với Nga.

Quyết định của Israel không cung cấp các hệ thống vũ khí cho Ukraine vấp phải sự chỉ trích ngày càng tăng của các chuyên gia và chính trị gia Israel, sau khi Nga sử dụng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái do Iran sản xuất để tấn công các mục tiêu ở Ukraine. Một số người ở Israel cho rằng, thực tế này đã và đang dẫn đến việc đánh giá lại lập trường trung lập của Israel trong cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài 7 tháng qua.

Ukraine đề nghị Israel cung cấp các hệ thống phòng không

Các nguồn tin quốc phòng Israel cho biết, sự hợp tác giữa Iran và Nga ở Ukraine đã làm thay đổi tình hình, và đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong cách tiếp cận của Israel theo hướng trao cho Ukraine các hệ thống phòng thủ. Và Kiev đã nhận thấy sự thay đổi này; hôm 19/10 công bố kế hoạch chính thức đề nghị Israel cung cấp các hệ thống phòng không.

uav-1973.jpg
Một chiếc máy bay không người lái trong cuộc tập trận ở một địa điểm không được tiết lộ ở Iran. Ảnh: Reuters.

Các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề Ukraine đang được giữ kín ở Israel, vì các chính trị gia đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 1/11, lần bầu cử thứ năm trong vòng chưa đầy ba năm. Các nguồn tin ở Israel dự đoán, nếu các bên thành công trong việc thành lập một liên minh ổn định, vấn đề Israel trợ giúp quân sự cho Ukraine do có sự can dự của Iran sẽ là một ưu tiên hàng đầu để quyết định tuân theo hoặc thay đổi chính sách hiện tại.

Nga lo lắng trước sự thay đổi có thể xảy ra trong chính sách của Israel và đã cảnh báo thẳng thừng. Báo Anh The Guardian đưa tin, ông Dimitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, đã sử dụng tài khoản Telegram của mình để cảnh báo Israel về quyết định cung cấp hệ thống quân sự cho Ukraine. Ông Medvedev cho rằng đó sẽ là “một bước đi liều lĩnh”, bước đi “sẽ phá hủy mối quan hệ giữa hai nước chúng ta”.

Một nguồn tin chính trị ở Israel nói: “Họ [Nga] cảm thấy có điều gì đó đang thay đổi, tuy từ từ nhưng đúng là đang thay đổi. Và họ ngay lập tức đưa ra cảnh báo này cho Israel”.

Israel có quan hệ chính trị với Ukraine, nhưng ưu tiên mối quan hệ với Nga nhằm đảm bảo quyền tiếp cận không phận Syria cho các cuộc tấn công quân sự nhằm vào các mục tiêu do Iran hậu thuẫn.

Vài ngày sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Israel khi đó là ông Yair Lapid đã lên án cuộc tấn công vào Ukraine trên bình diện rộng, nhưng các chính trị gia Israel phần lớn tránh đưa ra những lời tố cáo công khai về cuộc chiến. Quan trọng hơn, Israel đã không tham gia bất kỳ hình thức trừng phạt nào chống lại Nga, đồng thời từ chối bán vũ khí cho Ukraine và không cấp phép cho các quốc gia sử dụng vũ khí do Israel sản xuất chuyển giao vũ khí đó cho Ukraine.

phong-thu-4595.jpg
Hệ thống phòng không Iron Dome khai hỏa để đánh chặn một tên lửa trên thành phố Ashdod ngày 8/7/2014 ở Ashdod, Israel. Ảnh: Getty Images.

Giới chức Israel lên tiếng

Các nguồn tin ở Israel nói với Breaking Defense rằng Israel cũng đã hủy bỏ một thỏa thuận đang thực hiện với Ukraine về tên lửa chống tăng Spike khi chiến sự bắt đầu vào cuối tháng Hai. Tuy nhiên, Israel có dấu hiệu thay đổi khi trên chiến trường Ukraine xuất hiện vũ khí do Iran sản xuất và gây ra một số thương vong cho dân thường.

Cựu Ngoại trưởng Lapid, giờ đây là Thủ tướng Israel, ngày 10/10 viết trên Twitter: “Tôi cực kỳ lên án các cuộc tấn công của Nga nhằm vào dân thường ở Kiev và các thành phố khác trên khắp Ukraine… Tôi gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình các nạn nhân và người dân Ukraine”.

Hôm 16/10, ông Nachman Shai, Bộ trưởng Bộ các vấn đề ngoại kiều Israel, đã đi xa hơn bất kỳ chính trị gia Israel nào trước đây. Trên Twitter, ông Shai viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Israel nên đứng ở đâu trong cuộc xung đột đẫm máu này. Đã đến lúc Ukraine cũng phải nhận viện trợ quân sự giống như Mỹ và các nước NATO cung cấp”.

Nhận định của ông Shai đã khiến ông Medvedev lên tiếng cảnh báo và Chính phủ Israel vội vã nói với truyền thông nước này rằng, quan điểm của ông Shai không phản ánh chính sách của Israel theo bất kỳ cách nào. Tuy nhiên, công chúng Israel bắt đầu tỏ ra quan tâm hơn tới vấn đề chọn phe trong xung đột Nga-Ukraine.

Bà Ksenia Svetlova, giám đốc Chương trình Israel và Trung Đông tại Viện Chính sách Đối ngoại Khu vực Mitvim, nói với Breaking Defense rằng, Israel tự hào là nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông. Israel luôn kêu khóc khi các quốc gia trên thế giới không ủng hộ đủ và không thể hiện sự đoàn kết mỗi khi tên lửa chống tăng hoặc rốc-két Qassam bắn vào lãnh thổ của mình, bà nói. Tuy nhiên, Israel “đột nhiên trở nên im lặng khi đối mặt với tên lửa hành trình bắn vào các thành phố (ở Ukraine)”.

Áp lực của công chúng có thể đến mức bất kỳ ai sắp lên làm thủ tướng Israel sẽ phải đối mặt sự lựa chọn về việc giúp đỡ Ukraine theo cách mới.

phong-thu-2-9105.jpg

Hệ thống phòng thủ tên lửa di động tầm ngắn và tầm trung Spyder của Israel. Ảnh: Topwar.

Iron Dome, SpyderBarak 8 sẽ có mặt ở Ukraine?

Các nguồn tin của Israel nói với Breaking Defense rằng, trong nhiều tháng, Ukraine đã yêu cầu Israel cung cấp các hệ thống chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, và sự xuất hiện trên bầu trời Ukraine các máy bay không người lái do Iran sản xuất càng khiến quân đội Ukraine thèm khát các hệ thống của Israel.

Phía Ukraine chủ yếu đề nghị Israel cung cấp các hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm sắt) và Spyder (đều do hãng Rafael chế tạo) và tổ hợp phòng không Barak 8 (do hãng Israel Aerospace Industries sản xuất).

Đối với Iron Dome, cần có sự chấp thuận của Mỹ do nước này đã tài trợ, giúp phát triển hệ thống. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Israel hồi mùa hè của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Israel được yêu cầu hỗ trợ Ukraine theo nhiều cách hơn họ đã làm. Vì thế, việc Israel xuất khẩu vũ khí sẽ không thành vấn đề, giới quan sát nhận định. Với Spyder và Barak 8, Israel có thể tùy ý xuất khẩu vì Mỹ không tài trợ phát triển hai hệ thống phòng không này.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, người Ukraine đã yêu cầu một số tên lửa đất đối đất Spike do Rafael sản xuất. Nhưng không giống như hệ thống phòng không, Spike được coi là hệ thống tấn công và do đó sẽ không nằm trong danh sách các hệ thống tiềm năng mà Đại sứ quán Ukraine tại Tel Aviv đề nghị phía Israel cung cấp, các nguồn tin nói.

ten-lua-7031.jpg
Bắn thử tên lửa đất đối đất Spike. Ảnh: Rafael.

Đối đầu các máy bay không người lái do Iran sản xuất sẽ có vẻ rất phù hợp với các hệ thống phòng thủ của Israel. Tuy nhiên, Israel đã từ chối yêu cầu của Ukraine về công nghệ chống máy bay không người lái trong nhiều trường hợp.

Israel đã đồng ý cung cấp các hệ thống chống máy bay không người lái cho Ukraine trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nhưng giấy phép đã bị đình chỉ khi xung đột bắt đầu. Các nguồn tin quốc phòng Israel cho biết, một số hệ thống đã được trình diễn cho các quan chức Ukraine khi họ tới thăm Israel.

phong-thu-3-4482.jpg
Hệ thống phòng thủ tên lửa Barak-8. Ảnh: Economic Times.
Theo Tiền Phong
https://tienphong.vn/vu-khi-iran-tham-chien-o-ukraine-israel-tinh-quay-lung-voi-nga-post1479427.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/vu-khi-iran-tham-chien-o-ukraine-israel-tinh-quay-lung-voi-nga-post1479427.tpo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vũ khí Iran tham chiến ở Ukraine, Israel tính quay lưng với Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO