Vũ khí âm thanh thực sự nguy hiểm như thế nào?

10/01/2022 12:46

Từ lâu, con người đã biết âm thanh có thể dùng để chữa bệnh, cũng như gây tê liệt. Hiện nay, vũ khí âm thanh được sử dụng để giải tán các cuộc biểu tình và chống cướp biển một cách hiệu quả.

Tiếng chuông và kèn

Con người từ lâu đã biết âm thanh có thể được sử dụng như một thứ vũ khí. Chẳng hạn, từ xa xưa đã xuất hiện tiếng kèn Jericho nổi tiếng. Khi thành Jerusalem bị vây hãm, quân đội của Joshua đã sử dụng tiếng kèn để phá hủy các bức tường. Tính xác thực lịch sử của cuộc tấn công dù chưa được xác nhận, nhưng nguyên tắc này lại rất quan trọng, bởi sự cảm thụ sóng âm là một yếu tố gây hại.

Âm thanh tần số đặc biệt không chỉ làm tê liệt, mà còn có thể chữa bệnh. Hiện đã có chứng minh khoa học rằng, tiếng chuông có tác dụng hồi phục sức khỏe. Khi đổ chuông ở tần số trên 25 kHz, thì lớp vỏ ngoài của các vi sinh vật có hại sẽ bị phá hủy, khiến chúng mất khả năng phá hoại. Các loại virus viêm gan và cúm rất dị ứng với tiếng chuông. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại virus đều chết vì tiếng chuông, mà chỉ có khoảng 40% trong số chúng.

Xe cảnh sát được trang bị hệ thống âm thanh LRAD. Ảnh: aminora.livejournal.com.

Ngoài ra, dưới tác động của tiếng chuông do sức cản thủy động của các mạch giảm xuống, nên lưu lượng máu và bạch huyết tăng lên. Ở nước Nga xa xưa, chuông được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu và sầu muộn. Người ta cho rằng, tiếng chuông có tác dụng đánh thức con người sau một đêm mất ngủ và làm cho tỉnh táo sau khi uống nhiều rượu.

Đo sóng âm thay vì sử dụng radar

Với sự phát triển của khoa học-kỹ thuật, quân đội bắt đầu chú ý hơn đến tiềm năng của việc sử dụng âm thanh phục vụ mục đích chiến đấu. Đặc biệt, quân đội Đức Quốc xã đã nghiên cứu chế tạo vũ khí âm thanh của riêng mình, nhưng may mắn là họ đã đi sai đường. Pháo âm thanh của Đức sử dụng âm thanh tần số thấp (sóng hạ âm) để tạo ra sức hủy diệt. Âm thanh này không thể định hướng bằng chùm tia theo một hướng nhất định, nên không chỉ đối phương, mà chính nhân viên vận hành cũng trở thành nạn nhân của vũ khí này. Ngày nay, sóng hạ âm được sử dụng để xua đuổi các loài gặm nhấm và chuột chũi, vì việc này không cần đến chùm tia định hướng.

Công tác nghiên cứu chế tạo vũ khí âm thanh định hướng đã được tiến hành song song cả ở Hoa Kỳ và Liên Xô. Ngay trong hai cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, thiết bị đo sóng âm đã được sử dụng để nhận biết máy bay địch đang đến gần và xác định vị trí của các đội pháo binh. Nhưng với sự phát triển của radar hoạt động trên sóng vô tuyến, sự quan tâm đến vũ khí âm thanh bắt đầu biến mất, bởi chúng ít hiệu quả hơn cho những mục tiêu đặt ra.

Có thể, một ví dụ về việc sử dụng âm thanh như yếu tố trấn áp tâm lý của đối phương đó là chiến dịch của lực lượng xe tăng diễn ra ở ngoại ô Kiev, khi xe tăng của tướng Pavel Rybalko tấn công kẻ thù bằng tiếng hú uy lực của còi báo động. Hỗ trợ cho cuộc tấn công này còn có hệ thống ánh sáng từ đèn pha phòng không. Sự kết hợp những cách thức này đã làm cho quân phát xít Đức mất phương hướng và buộc chúng phải bỏ chạy.

Thiết bị âm thanh tầm xa (LRAD)

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, người ta bắt đầu quan tâm trở lại việc sử dụng vũ khí âm thanh. Điều này trước hết là do sự bắt đầu nghiên cứu chế tạo trong lĩnh vực vũ khí phi sát thương. Hoạt động dân sự ngày càng gia tăng, khi hàng nghìn người bắt đầu tham gia các cuộc biểu tình và tuần hành quần chúng, cho thấy tính hợp lý của việc sử dụng vũ khí âm thanh. Đây là dân thường, nên không thể dùng súng đạn bắn vào họ, nhưng cần phải kiểm soát được đám đông.

Sau Chiến tranh Lạnh, với sự lan rộng của các cuộc chiến tranh cục bộ (tại Iraq, Afghanistan, Somalia, Nam Tư), vũ khí âm thanh đã được sử dụng. Thực tế cho thấy, việc sử dụng không quân và vũ khí chiến đấu sẽ dẫn đến những tổn thất nặng nề cho dân thường. Vì vậy, vũ khí âm thanh đặc biệt thích hợp trong việc giải tán các cuộc biểu tình đông người, cũng như các cuộc mít tinh trái phép.

Loại vũ khí âm thanh đầu tiên được sử dụng thành công là hệ thống âm thanh LRAD, được công ty American Technology Corp sản xuất vào năm 2000. Tên gọi này là viết tắt của “Long Range Acoustic Device” (Thiết bị âm thanh tầm xa).

LRAD tạo ra áp suất âm thanh lên tới 162 dB ở khoảng cách một mét tính từ thiết bị. Mức âm thanh này gây nguy hiểm cho tai người. Để so sánh, âm thanh của còi báo cháy là 80-90 dB, trong khi tần số dao động âm thanh của hệ thống LRAD là 2.100 – 3.100 Hz. Âm thanh của thiết bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh của con người, thậm chí có thể gây choáng một cách đau đớn. Bán kính phá hủy là từ 100m đến 300m, trong khi âm thanh có thể nghe thấy ở khoảng cách 9km. Một người càng ở cách xa hệ thống LRAD, thì tác động của âm thanh đối với người đó càng nhỏ.

Sử dụng pháo âm thanh trên tàu để chống cướp biển. Ảnh: delta-av.com.pl.

Khác với những thiết bị được chế tạo trước đó, LRAD rất cơ động với trọng lượng chỉ 20kg và đường kính khi lắp đặt là 83cm.

Năm 2005, cướp biển Somalia quyết định cướp tàu du lịch Seabourn Spirit đang chở 151 hành khách. Chúng bắt đầu bắn vào con tàu bằng súng máy và súng phóng lựu. Nhưng khi cố lên tàu, chúng bắt đầu bị trượt xuống hai bên mạn và nhanh chóng rút lui trong sự nhục nhã. Đoàn thủy thủ đã “nã đạn” vào những tên cướp biển từ hệ thống LRAD được lắp đặt trên tàu. Việc bảo vệ con tàu này cho đến nay là ví dụ nổi tiếng nhất về việc sử dụng vũ khí âm thanh. Sau vụ việc, các công ty thương mại thế giới đã dồn dập đặt hàng nhà sản xuất Mỹ để mua hệ thống âm thanh này.

Thiết bị cảnh báo âm thanh Hyperspike

Ngày nay, đứng đầu bảng về công suất trong số các thương hiệu vũ khí âm thanh là thiết bị cảnh báo âm thanh của công ty Wattre Inc có tên là Hyperspike. Trong bán kính cách thiết bị một mét thì áp suất âm là 182 dB, còn ở khoảng cách 128m là 140,2 dB. Nếu xét decibel là một giá trị logarit, thì biên độ RMS của Hyperspike, được biểu thị bằng Pascal, lớn hơn khoảng 30 lần so với LRAD. Hiện nay, thiết bị này được sử dụng trên các tàu của Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ, cũng như trong ngành hàng không dân dụng và quân sự.

Hệ thống âm thanh LRAD lần đầu tiên được sử dụng trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Pittsburgh (Mỹ), tháng 9-2009. Nguồn: Glassbeadian/Youtube.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vũ khí âm thanh thực sự nguy hiểm như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO