Sáng 8/3, thông tin từ TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, cơ quan này đang giải quyết đơn yêu cầu Trường Đại học Kinh tế quốc dân bồi thường thiệt hại do giữ bằng cử nhân 30 năm và nhiều giấy tờ gốc quan trọng khác của (65 tuổi, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Dương Thế Hảo cho biết, trong đơn gửi tới tòa án trước đó, ông đã yêu cầu Trường Đại học Kinh tế quốc dân phải bồi thường trên 23 tỷ đồng cho mình.
"Đó mới là con số tạm tính. Tôi đang trao đổi với luật sư và nhờ chuyên gia pháp lý hỗ trợ để tính toán kỹ càng hơn những thiệt hại mà cá nhân tôi và gia đình đã phải gánh chịu suốt thời gian dài do việc bị nhà trường giữ các giấy tờ quan trọng", ông Hảo cho hay.
Nhập ngũ năm 1977, ông Hảo phục vụ tại Quân chủng Không quân. Đến năm 1981 xuất ngũ, ông về học khóa 26-27 Trường Đại học Kinh tế quốc dân; năm 1989 hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp với tất cả các môn có kết quả từ đạt trở lên.
Suốt nhiều năm, ông tới trường đề nghị cấp bằng cử nhân và trả lại các giấy tờ tùy thân quan trọng nhưng chỉ nhận được thái độ im lặng.
Năm 2017, lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân có văn bản khẳng định "không tìm thấy hồ sơ cá nhân của ông Dương Thế Hảo", "không tìm thấy tên ông Dương Thế Hảo trong sổ cấp bằng tốt nghiệp đại học". Vì thế, nhà trường "không có đủ cơ sở cấp bằng tốt nghiệp cho ông Hảo".
Tình thế đó buộc ông Hảo khởi kiện Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân tại TAND TP Hà Nội về hành vi không cấp bằng tốt nghiệp đại học và không trả hồ sơ cá nhân. Đến năm 2019, nhà trường trao bằng tốt nghiệp đại học và trả các giấy tờ gốc liên quan nên ông rút đơn khởi kiện.
"Tôi đã không thể tìm kiếm được công việc với đúng chuyên môn và trình độ đào tạo đại học. Thậm chí, không thể có được việc làm tương xứng với trình độ cấp 3 do bằng tốt nghiệp THPT và học bạ gốc bị trường giữ trái luật, không có lý do. Việc tiếp cận các công việc và các mối quan hệ công việc tiềm năng cũng khó khăn vì không chứng minh được nhân thân, do hộ khẩu bị giữ nên không thể có Chứng minh nhân dân hay hộ chiếu", ông Hảo nói.
Ông cưới vợ nhưng không thể đăng ký kết hôn. Do không có hộ khẩu nên con cái của ông Hảo không thể học tập ở Hà Nội mà phải gửi về quê.
Dù sự việc khá ồn ào thời gian qua, thu hút sự quan tâm của dư luận nhưng đến nay vẫn chưa lên tiếng. Đại diện trường cho biết sẽ sớm có thông tin phản hồi tới Dân trí.