Vụ giải cứu 17 con hổ nuôi nhốt: Người nuôi hổ trái phép bị xử lý thế nào?

MINH AN| 07/08/2021 20:20

Việc nuôi nhốt hổ trái phép với số lượng lớn có thể bị xử lý hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù, nuôi hổ thương mại có thể bị phạt tiền lên đến 15 tỉ đồng.

Vào rạng sáng ngày 4/8, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An cùng các lực lượng chức năng liên quan bất ngờ “đột kích” vào hai cơ sở là hai nhà dân đã nuôi nhốt hổ trái phép ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Tại hiện trường công an thu giữ 17 con hổ trưởng thành được nuôi nhốt trái phép. Trong đó 1 cơ sở nuôi nhốt 14 con hổ, cơ sở còn lại nuôi nhốt 3 con hổ. Tất cả đều đã trưởng thành có trọng lượng từ 200 – 260kg.

nuoi-ho.jpeg
Tại hai cơ sở ở xã Đô Thành, công an phát hiện 17 con hổ trưởng thành bị nuôi nhốt trái phép.

Bước đầu, các đối tượng khai nhận đã mua những con hổ này từ Lào khi còn nhỏ, đưa về nuôi, chăm sóc trong nhà với hệ thống chuồng trại như vật nuôi trong nhà. Khu vực chuồng nuôi hổ được hàn thêm những hàng rào sắt với nhiều lớp cửa bảo vệ, xây dựng như một căn hầm.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Tp Hà Nội cho biết: “Hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã thuộc nhóm quý hiếm, nguy cấp đang được bảo tồn là hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi này có thể làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và an toàn của động vật hoang dã, có nguy cơ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật khác như mua bán, giết thịt trái phép động vật hoang dã”.

Theo Luật sư Cường, tùy thuộc vào số lượng cá thể hổ nuôi nhốt bất hợp pháp và mục đích nuôi nhốt động vật mà người vi phạm sẽ bị xử lý về các tội danh và đối diện với các mức hình phạt khác nhau theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.

Với hành vi nuôi nhốt 17 cá thể hổ là cá thể thuộc lớp thú thì các đối tượng phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm theo quy định tại khoản ba, điều 244 bộ luật hình sự năm 2015.

Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại thì cũng sẽ xử lý pháp nhân thương mại về tội danh này thì pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt từ đồng 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp hành vi nuôi nhốt, mua bán, giết thịt trái phép động vật hoang dã mà không thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm thì sẽ bị xử lý hình sự theo điều Điều 234. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, mức hình phạt cao nhất của tội danh này đến 12 năm tù.

Còn hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ như hổ thì mức chế tài sẽ nghiêm khắc hơn: Phạt tù đến 15 năm tù đối với cá nhân và có thể phạt đến 15 tỷ đồng đối với pháp nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ giải cứu 17 con hổ nuôi nhốt: Người nuôi hổ trái phép bị xử lý thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO