VỤ BIẾN MẤT BÍ ẨN CỦA NỮ PHI CÔNG ĐẦU TIÊN BAY VÒNG QUANH THẾ GIỚI
Nữ phi công người Mỹ Amelia Earhart đã biến mất bí ẩn khi bà đang hoàn thành nốt chặng cuối cùng của hành trình bay vòng quanh thế giới.
Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1932 mang tên "The Fun of it", Amelia Earhart từng nói rằng: "Việc bay trên trời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió nhưng niềm vui từ việc đó thực sự đáng giá".
Tuy nhiên, với nữ phi công đầu tiên bay một mình, không dừng lại băng qua Đại Tây Dương, "cái giá" cho niềm vui mà bà phải trả có lẽ rất đắt.
Ngày 5/1/1939, một tòa án Mỹ tuyên bố Earhart qua đời, sau khi bà mất tích bí ẩn trong 18 tháng từ ngày 2/7/1937, trong nỗ lực trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vòng quanh thế giới.
Tuyên bố của tòa án tưởng chừng đã khép lại những bàn luận về số phận của Earhart, nhưng nó vẫn không thể làm dừng lại những giả thuyết về sự biến mất bí ẩn khi sắp hoàn thành chuyến bay quan trọng của riêng bà cũng như với ngành hàng không thế giới.
NỮ PHI CÔNG HUYỀN THOẠI
Amelia Earhart sinh năm 1897 tại Atchison, Kansas, Mỹ. Bà bén duyên với hàng không vào tuổi 24 và sau đó trở nên nổi tiếng với những kỷ lục.
Earhart bắt đầu có niềm đam mê với việc trở thành phi công khi tham dự một triển lãm hàng không ở Toronto, Canada vào những năm 1920, khi bà chuyển tới đây để làm trợ lý y tá trong Thế chiến I. Bà đã tham gia các lớp học ở California, Mỹ, rồi tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê với máy bay thông qua các lớp học vào những ngày nghỉ.
Năm 1927, ông Charles Lindbergh làm nên lịch sử khi trở thành phi công đầu tiên bay một mình qua Đại Tây Dương. Tháng 6/1928, Earhart và 2 nam phi công bay từ Newfoundland, Canada tới Wales, Vương Quốc Anh. Dù Earhart chỉ có nhiệm vụ ghi lại lịch trình bay, nhưng vào thời điểm cách đây hàng chục năm, đó là một sự kiện lớn. Bà đã trở thành nữ phi công đầu tiên bay qua Đại Tây Dương. Ba người được tôn vinh trong một cuộc diễu hành ở New York, và bà Earhart đã được Tổng thống Mỹ thời đó Calvin Coolidge đón tiếp tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, điều này dường như chưa đủ với bà Earhart. Ngày 21/5/1932, bà đã thực hiện chuyến bay từ New Jersey tới Bắc Ireland, và trở thành nữ phi công đầu tiên trong lịch sử một mình bay xuyên Đại Tây Dương.
Sự nghiệp của bà bắt đầu thăng hoa. Earhart bắt đầu trở nên nổi tiếng và thậm chí có cả một dòng quần áo riêng. Hình tượng của bà cũng trở nên rất thu hút. Năm 1935, bà được trả 10.000 USD (khoảng hơn 185.000 USD vào thời điểm hiện tại) để trở thành phi công đầu tiên bay từ Hawaii tới lục địa Mỹ. Vào cùng năm, tạp chí danh tiếng TIME mô tả bà là "nữ phi công số một thế giới".
Câu chuyện của bà đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ và khiến họ có động lực rẽ hướng sang ngành hàng không.
Ở tuổi 39, Earhart nghĩ rằng bà còn một chuyến bay đầy tham vọng còn lại phải thực hiện trước khi nghỉ hưu và đó phải là một chuyến bay phá kỷ lục.
Bà bay từ California tới Miami, Florida, nơi bà tuyên bố rằng, chuyến bay cuối cùng của bà sẽ là bay vòng quanh thế giới. Mục tiêu của bà là thể hiện "tính khả thi của việc bay vòng quanh địa cầu bằng hàng không thương mại" và "thử xem con người sẽ phản ứng thế nào trước sự căng thẳng và mệt mỏi" khi thực hiện hành trình thách thức. Đó là một tin tức rất lớn ở thời điểm đó, khi Earhart quyết định thực hiện chuyến bay đầy táo bạo.
Ngày 1/6/1937, Earhart khởi động hành trình tham vọng và trong suốt quá trình di chuyển, bà liên tục cập nhật với truyền thông Mỹ về chuyến bay.
MẤT TÍCH BÍ ẨN
Ngày 2/7/1937, chiếc máy bay Lockheed chở Earhart và hoa tiêu Frederick Noonan cất cánh từ Lae, New Guinea thực hiện một trong những chặng bay cuối cùng trong nỗ lực vòng quanh thế giới của 2 người. Điểm đến tiếp theo là đảo Howland ở Thái Bình Dương, cách đó khoảng hơn 4.000 km.
Tàu tuần duyên Mỹ Itasca đã chờ sẵn ở đó để chỉ dẫn cho nữ phi công hạ cánh xuống hòn đảo san hô bé nhỏ, không có người ở. Nhưng Earhart không bao giờ tới được đảo Howland. Bầu trời u ám, nhiên liệu tụt giảm nhanh chóng trên chiếc máy bay 2 động cơ, Earhart và hoa tiêu đã hoàn toàn mất liên lạc với tàu Itasca.
Khi chiếc Lockheed đến gần đảo Howland, Earhart đã thông báo cho Itasca và giải thích rằng bà sắp hết nhiên liệu và đang cố tìm điểm hạ cánh. Tuy nhiên, sau nhiều giờ cố gắng đầy khó khăn, liên lạc hai chiều chỉ được thiết lập trong thời gian ngắn và Itasca không thể xác định chính xác vị trí của chiếc Lockheed hoặc cung cấp thông tin điều hướng. Earhart bay vòng quanh vị trí của Itasca nhưng không thể nhìn thấy con tàu. Khi đang cố gắng cung cấp thông tin về vị trí chính xác, Earhard đã bị đứt liên lạc.
Một cuộc tìm kiếm quy mô chưa từng có tiền lệ vào thời điểm đó đã được tiến hành, với hàng loạt tàu và máy bay từ hải quân và tuần duyên Mỹ lùng sục gần 650.000 km2 trên biển. Chi phí cho một ngày tìm kiếm là 250.000 USD. Không có dấu vết nào của Earhart hay Noonan được tìm thấy sau đó.
Vào thời điểm mất tích, 2 người đã gần như hoàn thành được tham vọng của Earhart trong chuyến bay cuối cùng. Họ đã bay 35.000 km đi qua Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á và chỉ còn phải bay qua Thái Bình Dương trong hành trình dài 11.000 km để hoàn thành hành trình vòng quanh thế giới.
Trong báo cáo chính thức vào thời điểm đó, hải quân Mỹ kết luận nữ phi công nổi tiếng và hoa tiêu của bà đã cạn nhiên liệu, rơi xuống Thái Bình Dương và chìm xuống. Tới đầu năm 1939, một tòa án tuyên bố bà đã tử vong, sau 18 tháng "bặt vô âm tín".
Từ đây, rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra liên quan tới sự vụ bí ẩn này.
NHỮNG GIẢ THUYẾT
Trong tín hiệu vô tuyến cuối cùng vào 8h43 phút sáng ngày mà Earhart mất tích, nữ phi công này thông báo rằng bà đang bay từ bắc tới nam.
Năm 1989, một tổ chức chuyên tìm các máy bay có tên TIGHAR đã khởi động chuyến hành trình đầu tiên đến Nikumaroro, một đảo san hô hẻo lánh ở Thái Bình Dương thuộc Cộng hòa Kiribati. TIGHAR và giám đốc Richard Gillespie, tin rằng khi Earhart và Noonan không thể tìm thấy đảo Howland, họ tiếp tục đi về phía nam và hạ cánh khẩn cấp xuống Nikumaroro (khi đó được gọi là Đảo Gardner). Theo giả thuyết này, 2 người đã sống trên đảo một thời gian và cuối cùng qua đời tại đó.
Trên thực tế, máy bay của hải quân Mỹ đã bay qua đảo Gardner vào ngày 9/7/1937, một tuần sau khi bà Earhart mất tích và không phát hiện ra dấu vết của nữ phi công. Tuy nhiên, báo cáo của họ ghi nhận việc đã phát hiện ra các dấu hiệu "của sự cư trú", dù không có ai sống trên đảo này từ năm 1892.
Vào năm 1940, các quan chức Anh đã phát hiện một bộ xương người ở một khu vực xa xôi của đảo Nikumaroro. Một bác sĩ sau đó đã đo xương và kết luận chúng thuộc về một người đàn ông. Những mảnh xương sau đó đã bị mất, nhưng TIGHAR đã phân tích chỉ số vào năm 1998 và tuyên bố rằng trên thực tế, chúng rất có thể thuộc về một phụ nữ có nguồn gốc châu Âu, có chiều cao tương đương bà Earhart. Vào năm 2018, một phân tích pháp y về các phép đo xương do các nhà nhân chủng học từ Đại học Tennessee, Mỹ hợp tác với TIGHAR thực hiện cho thấy, mẫu xương dường như có nhiều điểm tương đồng nhất định nếu so với bà Earhart.
Nhưng đó chỉ là một giả thuyết. Nhiều người nghi ngờ rằng khi bà Earhart không tới được đảo Howland, bà đã buộc phải hạ cánh xuống đảo Marshall khi đó do Nhật Bản kiểm soát. Theo giả thuyết này, phía Nhật Bản có thể đã bắt giữ Earhart và hoa tiêu của bà tới đảo Saipan, cách Tokyo khoảng hơn 2.000 km vì nghi họ là gián điệp của chính phủ Mỹ. Họ có thể đã qua đời sau đó ở Nhật Bản.
Từ những năm 1960, giả thuyết này đã được "đưa vào tầm ngắm" khi một số người dân đảo Marshall sống vào thời điểm năm 1937 kể về câu chuyện "nữ phi công Mỹ" bị bắt giữ, cho bạn bè và hậu duệ của họ. Một số người cho rằng Earhart và ông Noonan có thể là gián điệp của Mỹ và hành trình vòng quanh thế giới của họ là nỗ lực nhằm che giấu nhiệm vụ bay qua và quan sát các pháo đài của Nhật Bản dựng ở Thái Bình Dương. Vào thời điểm đó, 4 năm trước khi trận Trân Châu Cảng diễn ra, phát xít Nhật vẫn chưa là kẻ thù của Mỹ trong Thế chiến II.
Một số cho rằng, Earhart có thể không qua đời ở Saipan sau khi bị bắt, nhưng đã được thả ra và được đưa trở lại Mỹ. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn chưa có bằng chứng cụ thể.
Từ năm 1989, TIGHAR đã thực hiện hàng chục chuyến thám hiểm tới Nikumaroro và xem xét hàng loạt các vật phẩm thu được từ các mảnh kim loại (nghi có thể là mảnh vỡ máy bay) hay một lọ kem trị tàn nhang, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về việc máy bay của Earhart có thể đã hạ cánh ở đây.
Năm 1991, Times đưa tin rằng, FBI xác nhận một manh mối có thể là bằng chứng cho nơi cuối cùng bà hạ cánh là một tấm bản đồ bằng nhôm được phát hiện trên đảo Nikumaroro. Các chuyên gia cho rằng, nếu bà thực sự hạ cánh xuống đảo san hô này thì với nhiệt độ khoảng hơn 48 độ C và không có nước sạch, khả năng họ sống sót được là rất thấp.
Sau hàng chục năm bị "bủa vây" bởi các giả thuyết, sự mất tích của bà Earhart vẫn tiếp tục là chủ đề được quan tâm. Trong 3 chuyến thám hiểm kể từ năm 2002, công ty khám phá lòng đại dương Nauticos đã dùng thiết bị sóng âm phản xạ để quét khu vực đảo Howland nằm gần nơi mà bà Earhart phát đi tín hiệu vô tuyến cuối cùng. Các cuộc tìm kiếm bao phủ khoảng gần 7.000 km2 không tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào về mảnh vỡ của chiếc máy bay Lockheed.
Theo History, chừng nào mảnh vỡ hoặc những bằng chứng cụ thể được tìm thấy, những bí ẩn và giả thuyết xung quanh chuyến bay cuối cùng của Amelia Earhart có thể sẽ không bao giờ dừng lại.
Đức Hoàng
Tổng hợp