Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết: Sau khi bị thay đổi tội danh, 'mẹ kế' phải đổi diện với hình phạt nào?

MINH AN| 05/01/2022 16:10

Trong vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết gây xôn xao dư luận thì Nguyễn Võ Quỳnh Trang sẽ có thể đối mặt với mức án cao nhất là tử hình. 

Ngày 5/1, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, ngụ tỉnh Gia Lai, trú quận Bình Thạnh) về tội “Giết người” và có Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ngụ quận 1) về tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm” để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an TPHCM ra quyết định khởi tố bổ sung với “dì ghẻ” và bố bé V.A trong vụ bé gái bị bạo hành đến chết, theo Luật sư Đặng Văn Cường Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp thì việc Trang có hành vi sử dụng đoạn gỗ cứng để đánh vào cơ thể đứa trẻ chỉ mới 8 tuổi thì đây hành vi rất nguy hiểm, hậu quả xảy ra là nạn nhân tử vong. Do đó, dù có hay không có ý định tước đoạt tính mạng của bé N.T.V.A. (SN 2013) từ trước, việc Trang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người là hoàn toàn chính xác.

bao-hanh-tre.jpeg
Nguyễn Võ Quỳnh Trang

Cố ý gián tiếp gây chết người?

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường thì về mặt lý luận thì tội giết người được quy định tại Điều 123 bộ luật hình sự năm 2015 được cấu thành bởi hành vi nguy hiểm của đối tượng gây án, xâm phạm đến tính mạng con người.

Hành vi có thể tước đoạt tính mạng nạn nhân với lỗi cố ý (mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra).

Lỗi cố ý chia làm 2 loại là "cố ý trực tiếp" và "Cố ý gián tiếp". Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi mà nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muổn hậu quả xảy ra. Còn với lỗi cố ý gián tiếp là khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra.

Điều 10, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra."

Như vậy, với hành vi dùng gậy gỗ đánh liên tục, nhiều lần vào vùng trọng yếu trên cơ thể của cháu bé và dùng chân đạp mạnh vào nhiều vị trí hiểm yếu trên cơ thể của cháu bé thì đối tượng Trang hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi của mình có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân, có thể đối tượng không mong muốn trước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi đánh đập bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra và thực tế cháu bé đã tử vong.

Bởi vậy đây là lỗi cố ý gián tiếp, thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội giết người theo Điều 123 bộ luật hình sự năm 2015. Với chứng cứ mới đã được chứng minh, làm rõ thì rất có thể cơ quan điều tra sẽ chuyển tội danh sang tội giết người theo khoản 1, Điều 123 bộ luật hình sự năm 2015 với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội với người dưới 16 tuổi, vì động cơ đê hèn và thực hiện tội phạm một cách man rợ nên đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

“Dì ghẻ” đối mặt với hình phạt nào?

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội giết người như sau: "Điều 123. Tội giết người 1.

Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.".

Với kết quả điều tra đến nay cho thấy hành vi của đối tượng Trang trong vụ án này là rất tàn nhẫn, mất nhân tính, khiến dư luận xã hội rất phẫn nộ, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em, tước đoạt tính mạng của nạn nhân, hành vi tàn nhẫn không khác gì những mụ dì ghẻ trong những truyện cổ tích khiến trẻ em kinh hãi.

Bởi vậy việc chuyển tội danh sang tội giết người là có căn cứ và cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm đối tượng này căn cứ vào tình tiết của vụ án.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết: Sau khi bị thay đổi tội danh, 'mẹ kế' phải đổi diện với hình phạt nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO