Vụ 8 trong số 17 con hổ được giải cứu đã chết: Trách nhiệm thuộc về ai?

MINH AN| 07/08/2021 13:25

Sau khi đưa về một khu sinh thái, 8/17 con hổ được ‘giải cứu’ từ hai hộ gia đình nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An đã chết. Trách nhiệm thuộc về ai?

Sáng 4/8, lực lượng cảnh sát đã ập vào một nhà dân tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), bắt giữ một vụ nuôi nhốt hổ trái phép lớn chưa từng có tại xã này.

Công an đã thu giữ khoảng 17 cá thể hổ trưởng thành, có trọng lượng khoảng hơn 200 kg/con, còn sống, được nuôi nhốt trái phép trong chuồng trại của 2 nhà dân.

Cơ quan chức năng đã điều nhiều xe cẩu đưa 17 cá thể hổ này đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) để nhờ chăm sóc hộ trong thời gian chờ phục vụ công tác điều tra, làm rõ.

Tuy nhiên, đến sáng 6/8, Thượng tá Trần Phúc Thịnh - Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: "Đã có 8/17 con hổ bị chết chưa rõ nguyên nhân. Hiện số hổ chết này đang được cấp đông để phục vụ công tác điều tra theo quy định của pháp luật".

ho-chet.jpeg
8/17 con hổ bị chết chưa rõ nguyên nhân

Bày tỏ quan điểm về vụ việc, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho hay: “Đây là một sự việc nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân tử vong của các con hổ này là gì, nếu có sai phạm trong quá trình vận chuyển, chăm sóc, bảo vệ thì sẽ xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có sai phạm theo quy định của pháp luật".

Mỗi một loài động vật lại có đặc điểm sinh trưởng, phát triển khác nhau, quy trình chăm sóc bảo vệ cũng khác nhau. Bởi vậy khi lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ có đảm bảo đúng quy trình, đảm bảo thức ăn, nước uống, điều kiện thời tiết phù hợp để các cá thể hổ này tồn tại hay không.

Nếu nguyên nhân chết là do lỗi trong quá trình chăm sóc bảo quản thì sẽ truy trách nhiệm đối với đơn vị, người được giao chăm sóc bảo quản những cá thể hổ này, nhẹ thì cũng kỷ luật, nếu mức độ nghiêm trọng có thể xử phạt hành chính, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo quy định của khoản 1 Điều 360 BLHS năm 2015: Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp: Gây thiệt hại đến tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

"Còn trường hợp nguyên nhân tử vong của các cá thể hổ này là do bệnh lý, việc gây mê, bắt giữ, di chuyển, việc chăm sóc, bảo quản đúng quy trình, quy định thì sẽ không truy trách nhiệm của đơn vị quản lý. Vấn đề này cần phải có cơ quan chuyên môn phân tích, đánh giá trên cơ sở các chứng cứ pháp lý, bằng chứng khoa học", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Trong vụ việc này, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ việc nuôi nhốt 17 cá thể hộ này diễn ra từ khi nào, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý giám sát ra sao, có việc bông lỏng quản lý hay tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật hay không để xử lý theo quy định của pháp luật hay không.

Những cá thể hổ này đều trên 200kg, nếu nuôi từ nhỏ thì cũng phải mất 1-2 năm thì mới phát triển như vậy.

"Nếu là mua bán số lượng lớn như vậy mà cơ quan chức năng không phát hiện ra suốt một thời gian dài thì đó là điều rất đáng trách, gây nguy hiểm cho cộng đồng và là hành vi vi phạm pháp luật không được phát hiện kịp thời. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ để có kết luận và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật", luật sư Cường bày tỏ quan điểm.

Bài liên quan
  • Phát hiện 138 kg sừng động vật nghi là sừng tê giác trong lô hàng nhập khẩu
    Theo Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng, đơn vị vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, khám xét lô hàng từ Nam Phi về Cảng Tiên Sa (thành phố Đà Nẵng). Qua đó, phát hiện hơn 138 kg sừng động vật nghi là sừng tê giác, hơn 3,1 tấn xương động vật nghi là xương của động vật hoang dã quý hiếm.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ 8 trong số 17 con hổ được giải cứu đã chết: Trách nhiệm thuộc về ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO