Vụ '4 tiếp viên hàng không xách ma túy' vào báo cáo gửi Thường vụ Quốc hội

Hoài Thu| 13/09/2023 07:25

Ủy ban Tư pháp nhận định tội phạm ma túy diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Cơ quan này dẫn chứng vụ 4 tiếp viên hàng không vận chuyển hơn 11kg ma túy, giấu trong 327 túyp kem đánh răng.

Nội dung này được Ủy ban Tư pháp đề cập trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận các báo cáo tư pháp trong phiên họp sáng 13/9.

Thẩm tra báo cáo về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ. Theo cơ quan này, những khó khăn về kinh tế - xã hội tích tụ sau hai năm đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm cũng như hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng.

Số ma túy bị thu giữ tăng 1.500%

Dẫn báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cho biết số vụ tội phạm ma túy phát hiện tăng hơn 18%; số ma túy tổng hợp dạng tinh thể bị thu giữ tăng đặc biệt cao, gần 1.500%.

Theo cơ quan thẩm tra, điều này cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy. Cơ quan này cũng nhận định hành vi mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ các nước vào Việt Nam hoặc quá cảnh qua Việt Nam để vận chuyển đi nước khác với nhiều thủ đoạn tinh vi, nổi lên là việc vận chuyển ma túy qua đường hàng không.

Vụ 4 tiếp viên hàng không xách ma túy vào báo cáo gửi Thường vụ Quốc hội - 1

Những túyp kem đánh răng chứa ma túy được các tiếp viên hàng không xách về Việt Nam và bị phát hiện (Ảnh: Hải quan TPHCM).

Ủy ban Tư pháp dẫn chứng vụ 4 tiếp viên hàng không vận chuyển hơn 11kg ma túy Ketamin và MDMA (giấu trong 327 túyp kem đánh răng), bị phát hiện tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đến nay, cơ quan chức năng đấu tranh mở rộng vụ án, đã truy xét toàn bộ đường dây, khởi tố 78 bị can, thu giữ gần 50kg ma túy tổng hợp các loại, 2 khẩu súng và nhiều tang vật liên quan.

Theo Ủy ban Tư pháp, hầu hết các loại tội phạm đều tăng, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như: giết người tăng hơn 20%, cướp tài sản tăng gần 54%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng hơn 57%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng hơn 92%, gây rối trật tự công cộng tăng hơn 88%...

Đáng lưu ý, trong năm đã xảy ra vụ nhiều đối tượng thực hiện hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điển hình, hôm 11/6, 2 nhóm đối tượng có vũ trang đã đột nhập, tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu, Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm 9 người chết, 2 người bị thương.

Cơ quan chức năng đã khởi tố hơn 90 đối tượng về các tội danh Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, Không tố giác tội phạm và Môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép.

Qua vụ việc trên, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, triển khai các giải pháp tổng thể, nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm, phòng ngừa không để xảy ra vụ việc tương tự.

Truy nã gần 4.400 đối tượng đặc biệt nguy hiểm

Theo Ủy ban Tư pháp, chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ.

Số trường hợp Cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm và hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm có giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn 13 trường hợp.

Đáng chú ý, Ủy ban Tư pháp cho biết số đối tượng truy nã mặc dù giảm hơn 11%, nhưng vẫn còn số lượng rất lớn (gần 8.700), trong đó số đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm là gần 4.400.

Cơ quan này cũng nêu thực trạng vẫn để xảy ra một số trường hợp dùng nhục hình trong giai đoạn điều tra.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ '4 tiếp viên hàng không xách ma túy' vào báo cáo gửi Thường vụ Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO