Thời gian qua, đoạn nhạc chế từ các nhân vật trong truyện tranh nổi tiếng Doraemon do Lê Dương Bảo Lâm thể hiện gây nhiều tranh luận.
Cụ thể, đoạn nhạc có nội dung: “Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobito chào đời”.
Hiện đoạn nhạc trên đang nổi tiếng và được sử dụng làm nhạc nền cho hàng loạt video trên mạng xã hội. Riêng đoạn video ghi lại phần thể hiện của Lê Dương Bảo Lâm cũng nhận hàng triệu lượt xem bất chấp nội dung phản cảm.
Phần lời chế của Lê Dương Bảo Lâm được nhận xét không chỉ vô nghĩa mà còn phá nát câu chuyện gắn liền với tuổi thơ của biết bao nhiêu người. Câu chuyện Chaien lấy Nobita làm chồng và sinh con trong phần nhạc chế cũng bị chỉ trích phản cảm, lố lăng.
Đoạn nhạc chế hoàn toàn sai lệch so với nội dung của bộ truyện đến từ Nhật Bản.
Thực tế, chương trình truyền hình có cảnh Lê Dương Bảo Lâm hát đoạn nhạc chế về Doreamon đã lên sóng năm 2019. Tuy nhiên, sau đó, Lê Dương Bảo Lâm tiếp tục thể hiện nó trong một số chương trình khác lên truyền hình khiến đoạn nhạc chế càng phổ biến.
Trước làn sóng tẩy chay của dư luận, mới đây nhất, VTV24 đã đề cập đến bản nhạc chế Nobita Thầm Yêu Xuka của Lê Dương Bảo Lâm trong bản tin “Thị hiếu và công chúng: Sản phẩm nhiều lượt xem chưa chắc đã là sản phẩm tốt”.
Theo đó, VTV24 nhận xét một sản phẩm chế như thế này không chỉ có lời hát vô nghĩa mà còn phá nát tuổi thơ của nhiều người, khiến giới trẻ tiếp cận sai lệch.
Cụ thể, BTV Trần Hằng của chương trình cho rằng, dù thế nào, thị hiếu âm nhạc đều phải hướng đến giá trị cơ bản, đó là tính thẩm mỹ, nghệ thuật và tính nhân văn. Đi ngược lại các giá trị này đều dẫn đến thị hiếu méo mó trước công chúng.
Đồng quan điểm, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, việc thường xuyên nghe những ca khúc như chương trình đề cập, có thể tác động trực tiếp đến tư duy, cảm nhận âm nhạc. Trong tương lai, họ có thể trở thành người khuyết tật về thẩm mỹ, cảm nhận nghệ thuật và cả tâm hồn.
Điều nguy hiểm nhất đối với những người sáng tạo nội dung là được sự hưởng ứng của nhiều người hâm mộ trên nền tảng số, tạo ra cảm giác họ là người có tầm quan trọng, hoặc dẫn dắt thị hiếu người xem. Theo ông đó chưa phải là nghệ thuật.
"Nghệ thuật phải là những điều đẹp, thông qua lăng kính của người nghệ sĩ. Để tác phẩm làm đẹp hơn tâm hồn, trách nhiệm của nghệ sĩ phải sáng tác ra những tác phẩm làm đẹp cho đời. Đây là điều đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay", ông Nguyễn Quang Long nhận định.
So sánh với nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, cụ thể hơn là làn sóng Hallyu, BTV Trần Hằng khẳng định, âm nhạc không đơn thuần chỉ là giải trí, âm nhạc phản ánh nhận thức, quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc, thái độ của nhạc sĩ, ca sĩ với những vấn đề được quan tâm trong đời sống. Từ đó, âm nhạc thấm dần vào ngôn ngữ, nhận thức, thái độ và cảm xúc của người nghe nhạc.
"Các nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ, ca sĩ, những người phổ biến ca khúc cần nêu cao trách nhiệm của mình trong quá trình hoạt động nghệ thuật. Các cơ quan quản lý cần có chính sách hiệu quả để đầu tư cho âm nhạc tích cực phát triển đúng hướng, đồng thời có những biện pháp 'dọn dẹp' triệt để những sản phẩm âm nhạc dễ dãi", nữ BTV của VTV24 cho hay.
Về phần Lê Dương Bảo Lâm, anh cũng từng lên tiếng cho rằng bài nhạc chế này đã được anh chế cách đây 10 năm nhưng lúc đó không nổi tiếng như bây giờ. Danh hài gốc Đồng Nai khẳng định chỉ muốn tung miếng cho vui chứ không có danh vọng gì và mong mọi người thông cảm.
Thu Hà
Theo VietNamNet