Tồn tại duy nhất trên quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng), đàn voọc Cát Bà có khoảng 70 con, là loài linh trưởng quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Voọc Cát Bà có đặc trưng là lông tóc trên đầu có màu vàng, tên khoa học là Trachypithecus poliocephalus, là một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới và chỉ được tìm thấy trên đảo Cát Bà, ngoài khơi thành phố Hải Phòng. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Voọc Cát Bà trưởng thành có chiều dài cơ thể khoảng từ 47-53cm. Đặc biệt, đuôi của chúng dài hơn cơ thể rất nhiều, khoảng từ 85-90cm và có tác dụng giúp chúng giữ thăng bằng cơ thể trong khi di chuyển trên những dãy đá vôi cheo leo, hiểm trở.
Voọc Cát Bà có thói quen leo trèo, sống tại những nơi có độ cao 100-150cm so với mực nước biển tại những rừng có nhiều dây leo và cây thân gỗ hay những vách đá dựng đứng.
Vườn quốc gia Cát Bà ( Hải Phòng) rộng hơn 17 nghìn ha. Đây là nơi khá đặc biệt vì có cả núi, rừng và biển ( hơn 6 nghìn ha)
Ban ngày, voọc hoạt động kiếm ăn và nghỉ ngơi trên các tầng cây cao. Ban đêm, chúng ngủ trong các hang hoặc những vách đá, rìa đá trên những dãy núi đá đó để tránh thời tiết khắc nghiệt.