Vòng tránh thai 'đi lạc' 30 năm trong ổ bụng hình thành sỏi thận

NGUYỄN LY| 24/08/2022 11:45

TPHCM – Người phụ nữ đặt vòng tránh thai cách đây 30 năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện nhiều triệu chứng đi tiểu khó, buốt nên đến bệnh viện khám mới tá hoả vì vòng tránh thai “đi lạc” vào ổ bụng và bàng quang, tạo sỏi.

Bệnh nhân 50 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM đã đặt vòng tránh thai từ năm 1990. Sau 5 năm tháo vòng để sinh con thứ 2 vào năm 1996, bệnh nhân vẫn không thấy gì bất thường. Thời gian gần đây, bệnh nhân liên tục đi tiểu buốt và khó nên đến bệnh viện thăm khám.

 
Vòng tránh thai quá niên hạn đi lạc vào bàng quang, ổ bụng được gắp thành công. Ảnh: BVCC

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang và phát hiện có vòng tránh thai ở khu vực ổ bụng, bàng quang và tạo sỏi.

“Tôi không dám tin vào kết quả khám, vì ngày trước tôi đã đến một cơ sở y tế tháo vòng tránh thai và sinh thêm con”, chị Hiền kể.

Theo ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa - Trung tâm Sản Phụ khoa, vòng tránh thai di trú là trường hợp hiếm gặp ở phụ nữ lớn tuổi thực hiện kế hoạch hóa gia đình cách đây vài thập niên. Thỉnh thoảng, vòng tránh thai có thể di trú trong ổ bụng, cài cắm ở thành cơ tử cung, hoặc xuyên bàng quang gây lủng ruột, lủng bàng quang hoặc nằm trong quai ruột. Một số trường hợp hiếm gặp vòng đi lạc trong cơ quan mạch máu vùng chậu. Nếu “đi lạc” quá lâu năm vào bàng quang tạo thành sỏi bàng quang.

Ở trường hợp bệnh nhân này, phần bùng có vòng chữ T di trú, một phần cắm xuyên vào một phần vào bàng quang, đi vào ổ bụng và tạo thành sỏi áp thành bụng.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng gắp dị vật là vòng tránh thai cắm chặt vào thành bụng, kết hợp nội soi bàng quang tán sỏi bằng công nghệ laser.

Điều bất ngờ nữa là trong quá trình phẫu thuật nội soi, các bác sĩ phát hiện thêm 2 viên sỏi kích thước lớn trong ổ bụng, trong đó có một viên nhân sỏi là dây vòng tránh thai. Viên sỏi còn lại là một nhánh của vòng chữ T.

Theo các chuyên gia, phương pháp đặt vòng tránh thai khá phổ biến những năm qua ở phụ nữ. Ngoài tác dụng tránh thai an toàn, hiệu quả thì phụ nữ đặt vòng tránh thai cũng có thể gặp một số biến chứng rất hiếm gặp như: viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng đến sức khoẻ nếu không được can thiệp kịp thời.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, sau một tháng sạch kinh để kiểm tra, 3 tháng, 6 tháng kiểm tra/lần hoặc tái khám với bác sĩ sản khoa ngay nếu có triệu chứng sốt, đau bụng dưới, ra dịch tiết bất thường. Trong quá trình khám, các bác sĩ sẽ siêu âm dò âm đạo để kiểm tra dây vòng còn không, chất lượng của vòng, vị trí …

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vòng tránh thai 'đi lạc' 30 năm trong ổ bụng hình thành sỏi thận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO