Vòm nhiệt là gì mà gây ra thời tiết cực đoan hiện nay ở Mỹ và Canada?

06/07/2021 04:44

Vòm nhiệt chính là hệ thống thời tiết phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ cao ở Mỹ và Canada trong vài tuần qua, dẫn tới hơn 100 ca tử vong tại Mỹ và hơn 230 ca tử vong tại Canada cho đến nay.

Nhiệt độ cao kỷ lục đang được ghi nhận trên khắp Bắc Mỹ với hàng trăm ca tử vong cho đến nay ở Canada và các bang ở tây bắc nước Mỹ. Và một trong những nguyên nhân hàng đầu được chỉ ra là do "vòm nhiệt" gây ra. Vậy vòm nhiệt là gì?

Vòm nhiệt là một hiện tượng thời tiết trong đó khí quyển áp suất cao, đóng vai trò như một cái nắp, nén giữ không khí nóng từ Thái Bình Dương thổi vào. Dưới tác động của ánh nắng Mặt trời, không khí bị thiêu đốt, giãn nở và dần bốc lên cao. Tuy nhiên nó ngay lập tức bị khối khí áp suất cao nén xuống. Nói cách khác vòm nhiệt giống như một cái nắp đang úp lên một cái chảo nóng và khiến cho không khí nóng không thể lưu thông hoặc thoát ra ngoài.

Khu vực áp suất khí quyển cao đã tạo ra một tấm chắn và đẩy không khí mát hơn ra khỏi vòm nhiệt, đồng thời giữ không khí nóng ở bên trong và tạo ra các sóng nhiệt. Vòm nhiệt sẽ khiến cho nhiệt độ bên trong nó luôn tăng cao và ngăn các hình thái thời tiết có khả năng giúp giải nhiệt tác động tới.

Thông thường gió có thể di chuyển vòm nhiệt, tạo ra sóng nhiệt nhưng vì vòm nhiệt này trải dài khắp bầu khí quyển nên hệ thống áp suất cao không dễ di chuyển và dường như thường đứng yên. Nó cản không khí nóng thoát ra ngoài dẫn tới khí nóng bị quẩn quanh, chìm xuống và khiến nền nhiệt độ ở khu vực có vòm nhiệt ngày một tăng dưới tác động của ánh nắng Mặt trời.

Vòm nhiệt sẽ ngày càng phổ biến trong tương lai?

Mặc dù khó có thể quy các sự cố đơn lẻ của thời tiết khắc nghiệt với biến đổi khí hậu, các sự kiện cực kỳ hiếm gặp như thế này sẽ dần trở nên phổ biến hơn do sự gia tăng chung của nhiệt độ toàn cầu.

Vào thứ Ba (29/6), Canada đã trải qua mức nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở mức 49,6 độ C và đây là ngày thứ ba liên tiếp phá vỡ kỷ lục. Hơn 40 mức nhiệt độ cao mới đã được ghi nhận ở British Columbia vào cuối tuần qua, bao gồm cả ở thị trấn nghỉ mát trượt tuyết Whistler. Dự kiến vòm nhiệt ​​sẽ tiếp tục phá kỷ lục trong suốt nhiều tuần tới.

Trước đó, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ đã cảnh báo "điều kiện nắng nóng nguy hiểm" kéo dài đến hôm 1/7 ở cả bang Washington và Oregon. Tại đây đều đã chứng kiến nền ​​nhiệt độ trên 40 độ C kể từ hôm 25/6. Cơ quan này tuyên bố: "Đợt nắng nóng lịch sử ở Tây Bắc sẽ tiếp tục trong phần lớn tuần tới. Nhiều kỷ lục hàng ngày, hàng tháng và thậm chí xuyên suốt nhiều thế kỷ có thể sẽ xảy ra".

Canada đã chứng kiến ​​103 kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ vào hôm 28/6 trên khắp các bang như British Columbia, Alberta, Yukon và vùng lãnh thổ Tây Bắc.

Để đối phó với cái nóng gay gắt, đá khô đang được sử dụng để làm mát nước, mọi người cũng phải ngủ trong "hầm trú ẩn làm mát". Trong khi đó một hồ bơi ở Seattle đã phải đóng cửa vì khu vực xung quanh nóng một cách "nguy hiểm".

Cảnh sát ở British Columbia cho biết, họ đã phải tiếp nhận 65 thông báo về những cái chết đột ngột kể từ khi đợt nắng nóng bắt đầu xảy ra vào hôm 25/6.

Trung sĩ Steve Addison thuộc sở cảnh sát Vancouver cho biết: "Vancouver chưa bao giờ trải qua cái nóng như thế này và thật đáng buồn là hàng chục người đang chết vì nó".

Nhà khí hậu học cao cấp của Environment Canada, David Phillips cho biết: "Ở các vùng phía tây Canada, nhiệt độ thậm chí còn nóng hơn ở Dubai". Nguy cơ cháy rừng đang ngày một tăng cao và mực nước ở các hồ và sông cũng đang ngày một thấp hơn.

Các cửa hàng cho biết, họ đã bán hết máy lạnh và quạt, trong khi các thành phố phải mở các trung tâm làm mát khẩn cấp và một số điểm tiêm chủng COVID-19 đã bị hủy bỏ. Trong khi đó, cơ quan điện lực British Columbia cho biết nhu cầu điện đã tăng lên mức kỷ lục do người dân tìm mọi cách làm mát.

Bình luận về cuộc khủng hoảng ở Canada, John Horgan, thống đốc bang British Columbia cho biết đó là một "bài học lớn về cuộc khủng hoảng khí hậu và nó không phải là chuyện hư cấu. Đây không phải là vấn đề của British Columbia, không phải là vấn đề của Canada mà là thách thức toàn cầu. Và chúng ta cần những công dân trên thế giới xích lại gần nhau hơn, nói một cách thẳng thắn và cùng nhau giải quyết đại dịch toàn cầu".

Tiến Thanh (Theo Sky)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vòm nhiệt là gì mà gây ra thời tiết cực đoan hiện nay ở Mỹ và Canada?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO