Với vai trò nòng cốt, đội ngũ doanh nhân cần có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức

11/10/2023 14:21

Nếu doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đội ngũ này cần có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức.

Nguồn lực đặc biệt của đất nước

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sáng 11/10 đã tổ chức Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam 2023 nhân kỷ niệm 78 năm ngày doanh nhân Việt Nam; đồng thời công bố Nghị quyết mới về doanh nhân của Bộ Chính trị vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Tham dự hội nghị có gần 300 đại biểu doanh nhân trên toàn quốc, gồm lãnh đạo của trên 30 các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp và các doanh nhân tiêu biểu; cùng với đó là đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành liên quan.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước.

ong pham tan cong.jpg
Ông Phạm Tấn Công. (Ảnh: Ngọc Cương)

Ông cho hay, với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt 2-3 triệu người; nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.

Không những vậy, theo VCCI, chất lượng doanh nhân cũng được cải thiện. Việt Nam có một số doanh nhân lọt vào top "tỷ phú USD" toàn cầu. Tới nay, Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia.

Một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới, điển hình như Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH True Milk, gạo ST25...

Trong giai đoạn 2011-2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hàng năm tăng gần 1,92 lần, từ 77.548 lên 148.533 DN, bình quân tăng 6,09%/năm (thấp hơn so với mức tăng 18,2%/năm giai đoạn 2001-2010), mỗi năm có khoảng 108.388 DN được thành lập.

Tuy nhiên, tại hội nghị, ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá, gần 12 năm qua, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh hạn chế. Số doanh nghiệp quy mô lớn có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn yếu. Năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế.

Trong bối cảnh như vậy, ông An cho rằng, cần ban hành một nghị quyết mới. Trong đó, tập trung vào trọng tâm phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức và tinh thần kinh doanh, mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội….

Vì thế, dịp “Tết doanh nhân” năm nay, giới doanh nhân đón nhận một món quà hết sức đặc biệt từ Đảng, Nhà nước - đó là một nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, thay Nghị quyết 09 được ban hành cách đây gần 12 năm.

Nghị quyết này do Đảng đoàn VCCI được Bộ Chính trị giao chủ trì xây dựng, đề xuất, có những nội dung rất mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Ông Phạm Tấn Công khẳng định, đây không chỉ là những nội dung mới mà còn rất quyết liệt, rất đúng mục tiêu mong đợi của giới doanh nhân và xã hội.

toan canh hoi nghi.jpg
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Ngọc Cương)

Doanh nhân cần có tầm nhìn, trí tuệ

Ngày 10/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh, đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh công nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường.

Mục tiêu Nghị quyết nêu rõ, đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Trong đó, mục tiêu đến 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết nêu rõ, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá, về quan điểm, Nghị quyết 41 xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng. Đây là điểm tương tự Nghị quyết 09 nhưng có bổ sung thêm “là một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

“Nghị quyết 41 mới đã khẳng định, yêu cầu các cấp ủy đảng có trách nhiệm xem xét, đánh giá tôn vinh, động viên và cổ vũ kịp thời các doanh nhân có đóng góp”, ông Đỗ Ngọc An nhấn mạnh.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/voi-vai-tro-nong-cot-doi-ngu-doanh-nhan-can-co-tam-nhin-tri-tue-dao-duc-2200615.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/voi-vai-tro-nong-cot-doi-ngu-doanh-nhan-can-co-tam-nhin-tri-tue-dao-duc-2200615.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Với vai trò nòng cốt, đội ngũ doanh nhân cần có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO