Nhiều tháng qua, chị Nhung (tên đã thay đổi, 29 tuổi, trú tại xã Ia Boong, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đi khắp các cơ quan chức năng để tìm cách giải cứu chồng là anh Hùng (tên đã thay đổi), đang làm việc ở một casino tại Campuchia.
Theo chị Nhung, do làm ăn thua lỗ nên anh Hùng đi khắp nơi tìm việc làm. Đầu tháng 7 vừa qua, anh Hùng nói ra Bắc xin việc. Vài ngày sau, anh ấy mất liên lạc và công an thông báo tìm được chiếc vali bị để lại ở khu vực sát đường biên giới với Campuchia, gần cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Trong vali có một số giấy tờ cá nhân, hồ sơ xin việc mang tên Hùng.
Hơn một tuần sau, anh Hùng liên hệ về cho vợ thông báo đang làm việc ở một casino tại Campuchia do người Trung Quốc quản lý.
Tại đây, anh bị bắt phải dùng những chiêu trò để lừa đảo trên mạng xã hội. Nếu không làm, anh sẽ bị tra tấn, bỏ đói và muốn về phải yêu cầu gia đình gửi 100 triệu đồng để "phí đền bù hợp đồng".
Từ ngày biết được chồng bị sa bẫy "việc nhẹ lương cao", chị Nhung ngược xuôi tìm cách giải cứu chồng. Tuy nhiên, gia cảnh nghèo khó, nợ nần đè nặng vai khiến chị rơi vào cảnh quẫn bách.
"Gia đình phải ở trọ nhiều năm. Tôi bán bánh mì ven đường để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học. Tôi cũng đi vay mượn khắp nơi nhưng thấy hoàn cảnh vậy, ai cũng e ngại. Tôi đã gửi đơn đến trụ sở các cơ quan chức năng để nhờ sự hỗ trợ, giải cứu chồng ở xứ người.
Nhiều lần anh ấy cũng đã nghĩ đến cách liều mình chạy khỏi casino nhưng tôi khuyên nên bình tĩnh, chờ sự giúp đỡ", chị Nhung gạt nước mắt nói.
Nhắn tin với vợ qua mạng xã hội, anh Hùng kể lại, trong khi tìm việc trên mạng thì sập bẫy lừa đảo. Nhóm lừa đảo còn gửi tiền để anh mua vé máy bay vào Nam và bố trí người, phương tiện đưa anh vượt biên sang Campuchia.
Sau đó, anh được đưa đến một ngôi nhà của người nước ngoài ở gần biên giới để làm việc. Tiền lương đi làm không được trả, lại còn bị đánh đập, tra tấn.
Ông Cù Minh Thông - Chủ tịch UBND xã Ia Boong cho biết, vợ chồng chị Nhung có hộ khẩu ở địa phương nhưng đã đi làm ăn xa nhiều năm nay. Hiện chính quyền xã đã nắm được thông tin người chồng bị lừa qua Campuchia làm việc. Công an xã cũng đã mời gia đình lên nắm thông tin và báo cáo với cơ quan chức năng để lên phương án hỗ trợ.
Thời gian gần đây, tỉnh Gia Lai cũng như một số địa phương khác liên tục xảy ra tình trạng người lao động bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao". Tại đây, các nạn nhân bị cưỡng bức lao động, phải làm việc ngày đêm, công việc là sử dụng mạng xã hội, điện thoại để lừa tiền hoặc dụ dỗ người khác sang làm việc.
Các nạn nhân không làm được việc sẽ bị hành hung, đánh đập và yêu cầu người nhà gửi một số tiền lớn để chuộc về. Nếu không có tiền, nạn nhân sẽ bị bán qua lại rất nhiều công ty.