Đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới Bitcoin đã kết thúc một tuần giao dịch đầy biến động với mức giảm gần 8% trong phiên 26/11 vừa qua. Đã có thời điểm, giá trị của Bitcoin giảm về ngưỡng 53.551 USD/Bitcoin - thấp nhất kể từ ngày 10/10.
Theo nhiều chuyên gia, mức giảm này phản ánh sự lo ngại của nhiều nhà đầu tư trong thị trường tiền điện tử trước thông tin về sự xuất hiện của biến thể virus SAS-CoV-2 mới có khả năng kháng vaccine COVID-19. Theo đó, biến thể mới có tên Omicron được phát hiện ở Nam Phi, Botswana và Hong Kong (Trung Quốc) có sự kết hợp bất thường của các đột biến. Các nhà khoa học lo ngại, biến thể này có thể "né tránh" các phản ứng miễn dịch của cơ thể con người, hoặc khiến virus dễ lây lan hơn.
Đáng chú ý, sự xuất hiện của biến chủng Omicron cũng mang tới mức tăng phi mã về mặt giá trị của một đồng token vốn chẳng có chút liên quan gì ngoài việc trùng tên gọi!.
Đồng token có cùng tên với biến chủng COVID-19 mới Omicron có mức tăng lên tới 10 lần chỉ sau vài ngày
Cụ thể, Omicron (hay OMIC), là một đồng token được phát triển dựa trên nền tảng tiền điện tử lớp 2 (layer 2) Arbitrum của Ethereum. OMIC hiện chỉ có thể giao dịch trên sàn giao dịch phi tập trung SushiSwap. Khối lượng giao dịch hiện tại của cặp OMIC/USDC trong vòng 24 tiếng qua rơi vào khoảng 668 nghìn USD, theo số liệu từ Coinmarketcap. Tuy nhiên, các thông tin như tổng nguồn cung hay dung lượng thị trường của OMIC không được công khai. Bản thân OMIC cũng không hề có bất kì sự liên quan nào tới biến thể Omicron, ngoại trừ tên gọi.
Theo số liệu từ trang web chuyên theo dõi giá cả thị trường cryotp Coinmarketcap, OMIC đã đạt mức giá cao nhất moị thời đại là 689 USD trong phiên giao dịch vào lúc 10h40 sáng nay (giờ Việt Nam). Đây là mức tăng đáng kinh ngạc lên tới 10 lần của OMIC chỉ sau vài ngày, kể từ khi đồng token này được Coinmarketcap ghi nhận dữ liệu từ cách đây vài ngày, vào ngày 27/11.
Vào thời điểm này, giá trị của OMIC chỉ được giao dịch quanh mức 65 USD. Tuy nhiên, giá trị của OMIC đã lập tức bay cao tới 945% khi các tin tức về biến thể SAS-CoV-2 Omicron liên tục được truyền thông thế giới đưa tin.
Đáng nói, trước đà tăng cực nhanh của OMIC, nhiều chuyên gia tiền điện tử đã tỏ ra ngán ngẩm:
"Nếu đây không được coi là một dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang trong một bon bóng khổng lồ, tôi chẳng biết nó là cái gì nữA", chuyên gia tiền điện tử Mr.Whale nhận định trên Twittter.
Đương nhiên, việc đầu tư vào những đồng token có mức tăng trưởng quá nóng này cũng mang lại rất nhiều rủi ro cho người dùng. Trong đó, rủi ro lớn nhất có thể kể đến việc các nhà đầu tư bị ‘mất sạch’ vì chiêu thức "Rug Pull". Trong thị trường tiền điện tử, Rug Pull (hay Kéo thảm) là một thuật ngữ đề cập đến hành động nhóm phát triển coin / token rút toàn bộ vốn của các nhà đầu tư và bỏ trốn. Hành động này thường xảy ra trên các nền tảng phi tập trung, khi token nào đó bị rút hết thanh khoản và không còn giá trị để trao đổi, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư đã mua token trước đó.
Thực tế cho thấy, các đồng token thuộc dạng ‘rác’ thường có chung một diễn biến và kết cục trong suốt vòng đời của nó: Bất ngờ tăng vọt về giá trị chỉ trong một thời gian ngắn, sau đó cũng sụp đổ nhanh chóng một thời gian ngắn. Gần đây nhất, không ít nhà đầu tư đã phải nếm quả đắng khi một đồng token lừa đảo ‘ăn theo’ series phim Squid Game có mức tăng khó tin lên tới hàng trăm nghìn lần, trước khi tụt tới 3,6 triệu lần chỉ trong vài phút.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư. GameFi (viết tắt của Game + Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
(Theo Pháp luật và Bạn đọc)