Nói một cách chân thực, trong đại gia đình này, người khiến tôi nở mày nở mặt nhất là vợ, mà người khiến tôi bực bội, ức chế cũng chính là cô ấy.
Chúng tôi quen nhau từ hồi học đại học, đi lên từ 2 bàn tay trắng. Sau 12 năm bên nhau, vợ chồng cùng dành dụm, tiết kiệm cũng mua được căn nhà Hà Nội.
Vợ tôi là người rất có năng lực và luôn cầu tiến. Ngày mới vào công ty, cô ấy chỉ là chân văn thư, công việc không nhiều và không quan trọng. Thời gian đó vợ tôi khá rảnh nên cô ấy tập trung học thêm các chứng chỉ, học hỏi kinh nghiệm của các anh chị lớn tuổi ở công ty, xây dựng các mối quan hệ trong công việc.
Sau 2 năm, nhận thấy sự cố gắng và năng lực của cô ấy, sếp đã điều chuyển vợ tôi sang phòng kinh doanh. Ngay khi bắt tay vào công việc mới, cô ấy đã chứng tỏ khả năng của mình bằng việc mang về các hợp đồng lớn cho công ty, luôn là nhân viên dẫn đầu về doanh số trong phòng.
Công việc của vợ mang lại thu nhập tốt, đôi lúc tôi cũng chạnh lòng so sánh với mức lương ba cọc ba đồng của mình. Nhưng nghĩ lại, mỗi người có một thế mạnh. Có lẽ kiếm tiền không phải thế mạnh của tôi, nên dần dần tôi thấy hài lòng với đồng lương 10 triệu đồng mỗi tháng của mình.
Vợ làm sếp có xe đưa đón nhưng không chịu mua ô tô cho tôi. (Ảnh minh họa được tạo bởi AI)
Cứ thế bao năm nay, công việc lẫn mức lương của tôi vẫn không thay đổi; nhưng được cái mọi thứ đều ổn định, tôi không lo bị ai đuổi việc trong thời kỳ kinh tế khó khăn này. Còn vợ tôi, nhờ những nỗ lực và đóng góp cho công ty, cô ấy mới được đề bạt lên giám đốc kinh doanh được khoảng 1 năm nay. Những xích mích trong gia đình tôi từ đó cũng bắt đầu nảy sinh.
Từ khi lên giám đốc, vợ tôi hàng ngày có ô tô đưa đón. Mỗi sáng ra, cô ấy quần áo là lượt bước lên xe sang, còn tôi nhảy lên chiếc xe máy cà tàng mua từ hồi lấy vợ phóng đến cơ quan. Ban đầu tôi không mảy may nghĩ gì, nhưng sau đó hàng xóm bắt đầu để ý và có ý kiến. Có ông anh bên cạnh còn vỗ vào vai tôi nói: "Vợ giàu thế thì mua cái ô tô mà đi, nắng mưa thế này ra đường nó khổ ra".
Ở nhà đã thế, đến cơ quan mọi người còn nói ra nói vào nhiều hơn. Ai cũng bảo rằng với điều kiện kinh tế của gia đình tôi bây giờ, nhà không có cái ô tô là quá lạc hậu. Tôi về nói lại chuyện này với vợ, cô ấy cười bảo: "Cơ quan cách nhà có hơn 2km, anh mua ô tô làm gì, vừa tốn kém vừa phải lo thêm chỗ để xe".
Nghe cô ấy nói tôi thực sự bực mình, mua ô tô đâu chỉ là để đi làm, mà đây còn là câu chuyện mặt mũi. Là người đàn ông, tôi hay bất kỳ ai khác đều không muốn mọi người nghĩ mình kém so với vợ. Vợ ngày ngày có xe hơi đưa rước, chồng đi xe máy cà tàng trông cứ hèn hèn thế nào.
Vợ tôi thông minh tinh tế, sao lại không chịu hiểu một điều đơn giản như vậy chứ! Và với mức lương cả trăm triệu đồng của cô ấy, mua xe hơi cho chồng có gì khó đâu mà sao mỗi lần nói tới ô tô là cô ấy giãy nảy lên, nói tôi không thực tế.
Có lần cáu quá, tôi nói thẳng rằng tôi đi xe máy "ghẻ" toàn bị người ta cười nhạo, vợ liền đề nghị tôi đổi xe máy mới. "Chiếc xe này quả thật là cũ quá rồi, mỗi lần hỏng hóc lại phải sửa", nói rồi cô ấy đưa cho tôi một xấp tiền vào bảo: "Anh bán xe cũ rồi kiếm cái xe máy nào tầm trăm triệu mà đi".
Càng ngày tôi càng thấy quan điểm của hai vợ chồng lệch nhau. Tôi giận vợ nên cũng không thèm mua xe máy mới. Tôi trả thù cô ấy bằng cách đi ra khỏi nhà từ sáng sớm, uống bia đàn đúm với đám bạn tới đêm mới về. Nhiều hôm, tôi cố tình đội mưa cho ướt hết người để vợ thấy tôi phải khổ thế nào khi không có ô tô. Vợ tôi có vẻ cũng rất bực mình nhưng xem ra không hề thay đổi quan điểm.
Tình trạng này kéo dài vài tháng nay, vợ chồng tôi lúc nào cũng căng như dây đàn. Dù không muốn gây căng thẳng nhưng tôi thấy yêu cầu mua ô tô của mình không hề là quá đáng. Xin độc giả mách giùm tôi cách thuyết phục để vợ tôi bỏ cái tính hà tiện đó đi, bỏ chút tiền ra mua cái ô tô cho gia đình được vui vẻ.
Theo VTC News