Tôi ly hôn cách đây 2 năm, mới đây thì nhận được tin tái hôn của vợ cũ. Thú thực là trong lòng tôi vẫn canh cánh nỗi niềm "bị vợ bỏ", cô ấy là người chủ động viết đơn ly hôn.
Bởi vậy tôi lập tức tìm hiểu về chồng mới của vợ cũ, rồi phải phá lên cười khi biết anh ta kém mình về mọi mặt. Gia cảnh anh ta bình thường, bản thân cũng không kiếm ra nhiều tiền, ngoại hình còn không đẹp trai bằng tôi, già hơn tôi nữa. "Bán bò tậu ễnh ương", đó là cụm từ tôi nghĩ ngay đến hành động của vợ cũ.
Không kiềm chế được, tôi lập tức tìm đến nơi vợ cũ và chồng mới đang sống, định chế giễu cô ấy một phen. Song kết cục là tôi phải ê chề ra về. Tôi nhận ra cô ấy quyết định kết hôn với người đàn ông tưởng chừng kém chồng cũ về mọi mặt đều có những nguyên do vô cùng hợp lý.
Và đây là 4 bài học trong hôn nhân mà tôi đã sâu sắc thấm thía:
1. Đối phương có thể đáp ứng một nhu cầu nào đó mà chồng cũ không làm được
Điều tôi không làm được đó là sự đồng hành với vợ trong các trách nhiệm với gia đình. Tôi quan niệm đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, tách bạch rõ ràng. Việc của tôi là đi làm phấn đấu sự nghiệp, thời gian còn lại thì nghỉ ngơi. Còn việc của vợ là chăm chồng con, quán xuyến việc nhà, đối nội đối ngoại, chăm sóc bố mẹ chồng.
Hành động của tôi khiến vợ luôn cảm thấy cô đơn trong chính gia đình mình. Một mình cô ấy phải vật lộn với các công việc gia đình vốn là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng.
Tôi cũng để mặc vợ tự giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, cho rằng đó là việc của cô ấy. Nhưng thực tế thì chồng mới là người có thể điều hòa tốt nhất mối quan hệ giữa hai người phụ nữ đó.
Không có sự đồng hành, từ đó thiếu đi sự gắn kết, thông cảm thấu hiểu lẫn nhau nên tình cảm vợ chồng ngày càng xa cách. Cho đến một lúc nào đó thì cô ấy bỗng nhận ra bản thân “có chồng cũng như không”.
2. Đừng ép vợ nghỉ việc ở nhà, “chặt đi đôi cánh” của cô ấy
Tôi muốn vợ nghỉ hẳn việc ở nhà trông con, quán xuyến gia đình, tập trung phụng dưỡng bố mẹ chồng cho tốt. Vợ cũ của tôi không phải người quá cuồng công việc hay tham vọng lớn lao trong sự nghiệp nhưng cô ấy vẫn muốn đi làm để không phải ngửa tay xin tiền chồng. Tuy nhiên tôi vẫn không thích. Nếu cô ấy cũng đi làm, cả ngày vắng mặt khiến tôi không yên tâm về mẹ mình ở nhà chút nào.
Ban đầu cô ấy cố chấp đi làm bằng được, vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Sau khi con gái chào đời, con bé hay ốm, tôi liền vin vào cớ đó bắt vợ nghỉ hẳn việc. Vợ đành nghe theo nhưng trong lòng không vui vẻ thoải mái chút nào. Cũng đúng thôi, nghỉ việc ở nhà quanh quẩn chẳng khác gì người phụ nữ bị “chặt đi đôi cánh”.
3. Chồng cần quan tâm đến nhà vợ vì ai cũng chỉ có một bố mẹ
Tôi ít quan tâm đến bố mẹ vợ và các công việc phía nhà ngoại. Bởi vì tôi cho rằng con gái lấy chồng như bát nước hất đi. Cô ấy về làm dâu nhà tôi đã thành người nhà tôi thì phải ăn cây nào rào cây ấy. Còn tôi chỉ là con rể, thỉnh thoảng ghé thăm bố mẹ vợ, lễ Tết biếu chút quà là đã trọn tình vẹn nghĩa rồi.
Tôi biết vợ buồn lòng nhưng cũng mặc kệ. Để rồi đó trở thành một trong những lý do cô ấy muốn ly hôn vì ai cũng chỉ có một bố mẹ.
4. Cuối cùng, nếu đàn ông tốt thì phụ nữ chẳng bao giờ buông tay
Dù cay đắng và chua xót nhưng tôi vẫn phải thừa nhận điều đó. Một khi phụ nữ đã chủ động muốn ly hôn, nghĩa là người chồng ấy có vấn đề. Phụ nữ thương con, trân trọng gia đình, nếu là một người chồng tốt thì cô ấy không đời nào buông tay cả.
Chồng mới của vợ cũ không kiếm ra nhiêu tiền bằng tôi, đứng riêng một mình so sánh với tôi thì không thành công bằng. Thế nhưng trong vai trò người chồng thì anh ta làm tốt hơn tôi nhiều. Anh ta cũng có công việc ổn định, đồng thời vẫn để vợ tự do phấn đấu, tôn trọng quyết định của cô ấy, đồng hành cùng vợ trong các trách nhiệm với gia đình và đối đãi với gia đình nhà vợ chẳng khác gì gia đình nhà nội.
Đó là những điều mà mọi người phụ nữ hiện đại cần ở người chồng chứ không phải như cách tôi đã đối đãi với vợ cũ. Đây cũng là những bài học tôi tự rút ra cho bản thân mình nếu có tái hôn để cố gắng không lặp lại những sai lầm cũ.
Theo Tri thức cuộc sống