Ngay sau khi có thông báo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà của thầy giáo Lê Đức Giảng - người "đưa đò" cho rất nhiều thế hệ học trò nên người có đạo đức, tài năng, cống hiến cho đất nước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm vợ chồng thầy Lê Đức Giảng tại nhà riêng của thầy ở số 163 Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn). (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp).
Nghe tin như sét đánh ngang tai
Hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bà Phan Thị Cấu - vợ cố nhà giáo Lê Đức Giảng nghẹn ngào: "Như sét đánh ngang tai, đau quá, buồn quá".
Bà Phan Thị Cấu bàng hoàng khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Ngôi nhà nhỏ của cố nhà giáo Lê Đức Giảng trên đường Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn, Bình Định), hiện chỉ có bà Phan Thị Cấu (93 tuổi, vợ thầy Giảng) sinh sống. Men theo cầu thang nhỏ hẹp cũ kỹ, tầng 2 của ngôi nhà được chia làm 2 phòng, diện tích khoảng 10 m2 với góc sân nhỏ đủ bày chiếc bàn inox tròn để tiếp khách.
Trong căn phòng thờ, hình ảnh cụ bà gầy gò yếu ớt lần từng bước lau dọn ban thờ chồng con khiến chúng tôi không khỏi bồi hồi. Bà Cấu bảo, xưa đây là phòng sách và nơi làm việc của thầy Giảng, nhưng từ khi thầy mất, căn phòng được sửa sang lại làm phòng thờ.
Từ hồi chồng rồi con dâu mất, sức khỏe bà Cấu cũng ngày một yếu. Khi chúng tôi báo tin Tổng Bí thư từ trần, khuôn mặt già nua đầy nếp nhăn không giấu được vẻ bàng hoàng. Bà Cấu ôm mặt khóc.
Hồi lâu sau bà nghẹn ngào nói: “Sáng 19/7 đọc tin trên báo, thấy đăng sức khỏe Tổng Bí thư không được tốt, tôi cầu Trời khấn Phật, xin ông nhà tôi phù hộ độ trì để người học trò mà ông luôn tự hào mau khỏe mạnh trở lại. Vậy mà... giờ nghe tin như sét đánh ngang tai. Tôi đau buồn quá.
Với gia đình tôi, Tổng Bí thư như người thân trong nhà. Tôi đã mất chồng, mất con, giờ lại thêm mất mát to lớn này… Đau buồn lắm lắm!”.
Bà Cấu chia sẻ những kỷ niệm về người học trò Nguyễn Phú Trọng.
Bà Cấu bảo, lúc nào bà cũng nhớ như in câu chuyện được chồng kể nhiều lần với niềm tự hào về người học trò Nguyễn Phú Trọng.
“Năm 1961, ông nhà tôi được phân công về Trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội), dạy môn Lịch sử các lớp 8 và 9 hệ 10 năm và làm chủ nhiệm lớp 9B, là lớp chuyên Văn. Lớp có hơn 40 học sinh, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy vừa làm lớp trưởng vừa làm bí thư chi đoàn.
Ông ấy khi đó sống một mình trong căn phòng dành cho giáo viên trường, tôi và các con ở quê nhà Bình Định. Ở một mình buồn, không có người thân lại thương trò Trọng là học sinh nghèo, trọ học ở một ngôi chùa nên ông thường gọi Trọng đến ở cùng. Buổi tối, hai thầy trò ngủ chung giường, đắp chung một chiếc chăn nên tình thầy trò càng thêm thắm thiết”, bà Cấu bồi hồi kể lại.
Bà Cấu chia sẻ, mỗi khi nhắc đến người học trò Nguyễn Phú Trọng, thầy Giảng đều rất vui, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào bởi người học trò nghèo ấy không chỉ học giỏi mà còn có tố chất lãnh đạo. Các cuộc sinh hoạt lớp vào cuối tuần, thầy chỉ định hướng, còn tất cả do lớp trưởng Nguyễn Phú Trọng quán xuyến.
"Tôi yêu quý gọi là thầy Trọng"
“Sau ngày thống nhất đất nước, chồng tôi chuyển về Bình Định giảng dạy rồi về hưu, người học trò năm xưa thành Nguyên thủ quốc gia. Vậy nhưng, tình thầy trò vẫn keo sơn bền vững, mỗi lần đi công tác, ông Trọng vẫn tranh thủ ghé thăm thầy. Gặp tôi, Tổng Bí thư gọi cô và xưng em, còn tôi trân quý gọi ông là thầy Trọng”, vợ cố nhà giáo Lê Đức Giảng bồi hồi.
Thầy Lê Đức Giảng chụp ảnh kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp).
Tay lần tìm chiếc nạng, bà Cấu khó khăn bước từng bước vào căn phòng thờ, trân trọng nâng niu cho chúng tôi xem những bức hình lần ghé thăm năm 2012, khi ấy ông Nguyễn Phú Trọng đã là Tổng Bí thư.
Hướng đôi mắt đỏ hoe về phía khung hình bà và chồng chụp chung với Tổng Bí thư, bà Cấu kể tiếp, khi đến nhà thăm thầy giáo cũ, Tổng Bí thư đề nghị đoàn cán bộ tháp tùng, bảo vệ đứng ở xa, đủ để làm nhiệm vụ. Người học trò năm xưa được thầy Giảng thương quý muốn một mình vào thăm thầy để có không gian tâm sự, gần gũi với người thầy giáo cũ.
“Người dân thấy có nhiều công an, cán bộ ngoài ngõ, nên họ tập trung rất đông. Tổng Bí thư ra hỏi thăm, bồng các em nhỏ, bắt tay từng người, tươi cười cởi mở chân tình, giản dị và gần gũi”, bà Cấu nhớ lại.
Dừng vài phút như để lần giở từng trang ký ức, bà Cầu kể tiếp: “Bước vào nhà, Trọng thành học trò, phong thái giản dị. Tôi nói với Trọng: ‘Ông quyền cao chức trọng đến đâu thì với gia đình tôi vẫn như thành viên trong gia đình’. Vợ chồng tôi ngồi ngay chiếc bàn nhỏ trong khuôn viên tầng 2 nhỏ hẹp này, nói chuyện với Trọng hơn 2 giờ đồng hồ, rất thân tình.
Tổng Bí thư tặng ông nhà tôi một tập sách, nắn nót ghi: ‘Kính biếu thầy Lê Đức Giảng - người thầy em hằng kính trọng với tất cả tấm lòng mình mấy chục năm nay. Người học trò nhỏ của thầy’. Khi ra về ông nhà tôi đi phía trước, Tổng Bí thư đi cùng tôi ở cầu thang và nói: “Cô nói em nghe”, 4 từ đó suốt đời tôi không thể quên”.
Theo lời kể của bà Cấu, năm 2022, thầy Giảng bị ngã. Từ đó sức khỏe xuống dần, một thời gian dài thầy phải ngồi xe lăn. Đến ngày 9/1/2023, thầy Giảng trút hơi thở cuối cùng.
“Khi đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến viếng ông nhà tôi, đem theo vòng hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khi đó đã ghi trong sổ tang: ‘UBND tỉnh Bình Định vô cùng thương tiếc thầy Lê Đức Giảng - một người con ưu tú của xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; một nhà giáo lão thành, trí tuệ, nhân đức, đã đào tạo rất nhiều học trò trưởng thành, trong đó có đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng’.
Bao nhiêu năm, dù ở cương vị nào, người học trò cũ của chồng luôn dành sự quan tâm đặc biệt với gia đình tôi. Giờ ông Trọng đi rồi, tôi lại mất thêm một người thân”, bà Cấu nghẹn ngào.
Dìu bà Cấu vào căn phòng nhỏ để bà nghỉ ngơi vì cơn đau đầu kéo đến, chúng tôi xin phép ra về. Nhìn dáng bà ngồi lặng cô đơn, mặt ngước lên trần nhà như để nuốt những giọt nước mắt vào trong, sống mũi chúng tôi cay cay...