"Cái số vậy rồi…"
0h, đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TPHCM lác đác xe qua lại. Ở chân cầu bắc ngang con kênh, bếp củi của vợ chồng bà Huê (66 tuổi) vẫn đều đều cháy, tí tách tiếng củi nỏ lửa.
Quán hột vịt lộn vắng khách, chồng bà Huê, ông Lý Vinh (73 tuổi) thong thả nhóm thêm chút củi để nồi trứng luộc sôi lại, hơi nước đượm hơn, mùi củi lửa cay cay sống mũi như ở chái bếp chốn quê nhà.
Lát sau, liên tiếp những lượt khách ra vào quán ăn đêm bình dân nơi hè phố ấy. Một nhóm khách vừa ngồi xuống, không cần hỏi, bà Huê đã đặt nhẹ bát trứng trước mặt. Khách quen, bà đã thuộc tính từng người, biết rõ mỗi người sẽ ăn chừng nào. Vừa lấy thêm dấm ớt, muối tiêu, bà Huê vừa vui vẻ trò chuyện, hỏi han nhóm thanh niên chỉ trạc tuổi cháu mình.
"Mừng quá mấy đứa, đang tưởng hôm nay không bán được", bà Huê cười xòa với nhóm khách trẻ.
Bán một món hàng tưởng "không thể dễ hơn" nhưng theo bà Huê, để hột vịt lộn ngon cũng phải có kỹ nghệ riêng, chọn sao cho trúng trứng có con non, luộc sao cho ngọt. Ngoài ra, rau răm, gừng sợi, muối, ớt phải được chuẩn bị sạch sẽ, tươm tất, nhìn vào mới thấy hấp dẫn. Cứ một đợt khách ăn xong, bà Huê lại dọn bàn, rửa chén bát ngay cho sạch, ráo nước để kịp phục vụ lượt khách sau.
Dãi sức trên hè phố cả đêm nhưng đôi vợ chồng già vẫn chia sẻ, "thành thật biết ơn" khi quán hột vịt lộn được nhiều người ủng hộ. Quán bán hàng thuận lợi hơn hẳn từ khi được một số bạn trẻ đăng tải hình ảnh, lan truyền về câu chuyện của ông bà chủ đã ngoài 70 lên mạng.
Nhờ vậy, mỗi ngày mở hàng từ 19h đến quá nửa đêm, bà Huê bán trung bình 200 trứng, giá 8.000 đồng/quả. Ngồi đếm từng đồng lẻ, bỏ riêng chi phí để hôm sau lại đi nhập hàng, xấp bạc còn lại, bà Huê cho vào hộp tiết kiệm, gọi là khoản "lấy công làm lãi". Bà định bụng buổi chợ sáng sẽ tranh thủ mua gì ngon ngon cho bữa trưa.
Mỗi ngày, đúng 17h là vợ chồng bà Huê nhận hột vịt lộn về, vệ sinh cho sạch sẽ, chuẩn bị đồ dùng rồi đẩy xe ra đường bán. Từ nhà ra điểm bán, đôi vợ chồng già phải đẩy xe qua một đoạn dốc cao. Ông bà phải gồng mình, dồn hết lực mỗi khi qua đoạn dốc này.
"Mỗi ngày lại thấy xe hột vịt nặng hơn, ì hơn. Mệt lắm, nhưng phải ráng. Chúng tôi không làm thì cũng đâu có ai nuôi. Buôn bán đâu lãi bao nhiêu, thuê người thì tốn kém nên hai thân già đành phải cố thôi", bà Huê bộc bạch.
Mỗi lúc quán vắng khách, vợ chồng già lại lặng lẽ, trầm ngâm, mỗi người ngồi một góc, không ai nói với ai lời nào.
"Nhìn thấy gia đình người ta đông đủ, rủ nhau đi ăn, đi chơi, chạy xe qua lại, tôi cũng chạnh lòng lắm. Nhưng biết sao được, cái số mình nó vậy rồi…", bà Huê nặng lòng.
Ước mơ của bố mẹ già
Tuổi đã cao mà ông bà Vinh vẫn phải lao động, mưu sinh vì còn phải nuôi người con trai hơn 30 tuổi. Trước đây, con trai của bà Huê là một thanh niên trai tráng, làm thợ sửa xe ở tiệm gần nhà.
Cậu trai kết hôn, rồi sinh con. Thấy gia đình con trai đề huề, ổn định, bà Huê và chồng rất hài lòng, ngỡ tưởng tuổi già có thể nương tựa các con.
Ai ngờ, một ngày con dâu bà Huê đột nhiên bỏ nhà ra đi, mang theo đứa con còn nhỏ. Trước cú sốc ấy, con trai bà Huê thành ra u uất, bỏ cả công việc, hằng ngày chỉ nhốt mình trong nhà.
Thấy con trai đau khổ, người mẹ như bà còn xót xa hơn. Mặc bao nỗ lực, động viên của bố mẹ, cậu con trai vẫn rơi vào trầm cảm nặng nề rồi dần chuyển sang tâm thần. Từ ngày đó đến giờ cũng đã 6 năm, vợ chồng già kẽo kẹt gánh nặng nuôi con.
"Từ một thanh niên hoạt bát, con tôi trở lại làm một đứa trẻ, không biết gì. Con không nổi giận, đập phá mà chỉ luôn im lặng, thẫn thờ, không biết làm gì. Vợ chồng tôi lúc đó đau lòng lắm, cố gắng chạy chữa cho con nhưng tuyệt vọng rồi", bà Huê kể.
Từ đó, ông bà thay phiên nhau chăm sóc con. Ông Vinh cũng dừng việc sửa xe, quay qua phụ vợ bán hột vịt lộn để cùng thu xếp trông con.
Ngày qua ngày, thời gian trôi qua nhanh đến mức bà Huê không kịp buồn khi nhận ra mái tóc mình đã chuyển màu sương gió.
Bà kể, vốn dĩ là con gái thứ 5 trong số 6 anh chị em, bà được cưng chiều lắm. Gia đình không mấy khá giả nhưng bố mẹ vẫn lo cho bà học đến lớp 9, rồi đi làm công việc văn phòng. Bà phải nghỉ việc 12 năm sau đó, khi nơi làm cắt giảm nhân sự.
Cầm số tiền 9 triệu đồng hỗ trợ thôi việc khi đó, bà Huê kết hôn, sinh con rồi bắt đầu những ngày tháng bươn bả với quán hột vịt lộn.
"Ngày còn nhỏ, tôi cũng muốn, cũng mộng tưởng cuộc sống sung túc. Nhưng lớn rồi mới thấy đời sao khổ quá", bà Huê trầm tư.
Đến giờ, ước mơ đơn giản mỗi ngày là bán được nhiều hột vịt lộn, vợ chồng bà và con có nhiều sức khỏe. Đến giờ cũng chỉ mong có thể kiếm đủ tiền để gia đình được ăn no mỗi ngày...