Đó là trường hợp của cặp vợ chồng trẻ Trần Đức Thắng và Đoàn Thị Thúy Hằng (đều SN 1996) trú xã Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình).
Chị Hằng tâm sự, vợ chồng chị từng làm việc ở Hà Nội với mức lương 10 triệu đồng/tháng/người, nhưng do bố mẹ già yếu nên năm 2020, cả hai quyết định nghỉ việc về quê chăm sóc bố mẹ và giúp đỡ việc nhà.
Về quê, vợ chồng chị Hằng được bố mẹ để lại mảnh vườn gần 2ha trồng na đang cho thu hoạch để phát triển kinh tế. Nhận thấy cây na mang lại thu nhập cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng ở địa phương nên vợ chồng chị quyết định mở rộng diện tích trồng na của gia đình lên gấp đôi.
“Vườn na gần 2ha đang cho thu hoạch với hai vụ (vụ chính từ tháng 6 đến giữa tháng 7 âm lịch và trái vụ vào tháng 10 âm lịch), trừ mọi chi phí mỗi năm lãi hơn 300 triệu đồng” chị Hằng cho hay.
Cũng theo chị Hằng, vụ chính thu hoạch na năm nay mất mùa nhưng lại được giá. Giá bán na tại vườn dao động từ 35.000-45.000 đồng/kg, so với năm ngoái là 25.000-30.000 đồng/kg.
“Để có được những quả na to đều, đạt chất lượng, người trồng cần chăm sóc với nhiều công đoạn như cắt tỉa tạo tán, bón phân để cây có đủ dưỡng chất sinh trưởng, thụ phấn khi ra hoa... Sau khi thu hoạch hai vụ quả, cần cắt hết cành cho cây ngủ đông chuẩn bị cho vụ mới” - chị Hằng chia sẻ.
Chồng chị Hằng, anh Trần Đức Thắng cho hay, việc trồng na tuy vất vả, khó nhọc nhưng mang lại thu nhập ổn định và cao hơn nhiều mức lương khi làm việc tại Hà Nội. Điều quan trọng hơn là được sống gần bố mẹ, gia đình.
Vợ chồng chị Hằng ước tính, mỗi năm 2 vụ na anh chị thu hoạch khoảng 10 tấn quả.
Ông Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc HTX sản xuất na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long, xã Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình), cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 200ha trồng na được chuyển đổi từ đất đá nội đồng trước đây trồng ngô, sắn hiệu quả không cao.
Cũng theo ông Thuật, na ở Phú Long được trồng theo quy trình VietGap, thụ phấn nhân tạo 100%. Điều đặc biệt, cây na ở đây không chỉ cho một vụ quả như các địa phương khác mà nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, na ra quả trái vụ. Ngoài ra, na Phú Long được công nhận xếp hạng là sản phẩm OCOP 4 sao.
Thời điểm hiện tại, na Phú Long được tiêu thụ trong tỉnh và thương lái ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định... đến tận vườn thu mua.
Na Phú Long được trồng thử nghiệm cách đây gần 10 năm và khoảng 3-5 năm nay, diện tích mở rộng nhanh. Mỗi năm, nghề trồng na ở Phú Long mang về cho người dân địa phương 500-600 tỷ đồng.
Trần Nghị