Cơn sốt chứng khoán lướt qua, nhiều nhà đầu tư đã quá sức sau thời gian “gồng lỗ”. Không ít người phải thừa nhận thất bại, nhưng không phải ai cũng đủ bản lĩnh để chấp nhận sự thật là mình đã mất đi tất cả tài sản tích lũy
Lấy nhau 5 năm, may mắn không bị áp lực phải mua nhà do được bố mẹ hai bên tặng cho căn hộ chung cư trước khi cưới, vợ chồng anh Hoàng Hưng, 33 tuổi, ở Hà Nội tích cóp được 500 triệu đồng. Sau khi bàn đi tính lại, đầu năm 2021 anh Hưng quyết định vay thêm 200 triệu đồng từ gia đình và bạn bè để mua chiếc xe ô tô KIA Seltos.
Việc mua xe ô tô là mục tiêu đã được hai vợ chồng đặt ra từ sau khi kết hôn với mục đích chính là cả gia đình về quê vào mỗi dịp cuối tuần cho đỡ vất vả trong việc đi lại.
Sẽ chẳng có gì để nói nếu anh Hưng không “say” chứng khoán đến mức xem nhẹ thu nhập của mình tại một công ty thiết kế kiến trúc. Biết đến chứng khoán từ năm 2018, thời gian đầu anh cũng chỉ đầu tư nhỏ lẻ với mục tiêu “kiếm tiền rau dưa”.
Thế nhưng, những con sóng lớn trên thị trường chứng khoán đã khiến anh “say” từ lúc nào không hay. Tháng 4/2021, hai vợ chồng anh bàn nhau dồn tất cả vốn liếng có được từ tiết tiết kiệm và bán đi số nữ trang do vợ cất giữ suốt từ ngày cưới, được hơn 100 triệu đồng, để đầu tư chứng khoán.
Cả hai vợ chồng anh Hưng đều không thể ngờ đó là bước ngoặt dẫn đến những sai lầm nối tiếp sai lầm ngay sau đó. Thị trường chứng khoán liên tục tạo sóng từ những cổ phiếu “rác” khiến anh không những trả được hết nợ tiền vay mua ô tô mà còn rủng rỉnh tiền để tái đầu tư.
Sóng cổ phiếu bất động sản như DIG, FLC, GEX, PDR,… đã khiến anh lao vào lướt sóng như hàng nghìn, hàng vạn nhà đầu tư khác trên thị trường lúc bấy giờ. Nhận ra cơ hội không thể tốt hơn để làm giàu nhanh chóng, tháng 10/2021, anh thuyết phục vợ đồng ý bán đi chiếc xe ô tô mà phải mất 5 năm tích cóp mới mua nổi. Tiền có được từ bán xe, tất nhiên anh “tất tay” vào cổ phiếu bất động sản.
Nhiều nhà đầu tư non trẻ ngậm ngùi nhìn chiếc xe yêu thích của mình một đi không trở lại. |
Liên tục mua vào rồi lại bán ra, anh vẫn trung thành với chiến lược đầu tư vào cổ phiếu bất động sản, nhất là những công ty có nhiều quỹ đất.
“Xe ô tô là tiêu sản, mỗi tháng mình phải tốn 5-6 triệu đồng nuôi ô tô. Vậy thì tại sao mình không bắt nó đẻ ra tiền? Tôi nghĩ rằng thị trường có lên, có xuống, nhưng những doanh nghiệp có nhiều quỹ đất thì sẽ không bao giờ chết. Thị trường lên thì cổ phiếu của những doanh nghiệp này sẽ lên trước tiên nên cứ cổ phiếu bất động sản là an toàn nhất”, anh Hoàng Hưng chia sẻ suy nghĩ tại thời điểm cách đây hơn nửa năm.
Với suy nghĩ như vậy, anh Hưng trở thành nhà đầu tư những tưởng chắc ăn chỉ có lãi không có lỗ. Anh không chỉ mua cổ phiếu bằng vốn tự có mà còn chơi margin theo lời mời gọi của nhân viên môi giới.
Thị trường chứng khoán lao dốc kể từ đầu năm 2022, đó cũng là khi anh và hàng loạt nhà đầu tư khác chịu sức ép bởi tỷ lệ tài sản ròng/giá trị chứng khoán thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì.
Anh Hưng đành nhìn công ty chứng khoán thực hiện “call margin”.
“Tiếc của, với tâm lý còn thở là còn gỡ, với những mã còn lại tôi thực hiện mua trung bình giá, nhưng càng mua thì càng lỗ nặng hơn khi giá cổ phiếu liên tục dò đáy. Lúc này thì đành đau xót chấp nhận sự thật là mình đã mất hẳn chiếc xe, bao nhiêu công sức tích cóp của hai vợ chồng đổ xuống sông xuống biển.” anh Hưng nói.
Câu chuyện của anh Hưng thật ra vẫn còn may mắn hơn so với anh Hà Văn Long (42 tuổi, Hà Nội).
Năm 2012 vợ chồng anh Long mua một mảnh đất ngoại thành Hà Nội với giá 600 triệu đồng. Không phải là nhà đầu tư lướt sóng nên anh Long tạm thời “quên” đi tài sản này trước khi bán đi vào năm 2020 để thu về 1,6 tỷ đồng.
“Lý do tôi bán mảnh đất này không phải vì thấy lãi là bán, mà vì cũng cần mua một chiếc xe ô tô để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình. Có được tiền từ bán đất, tôi dành 01 tỷ đồng mua chiếc Toyota Fortuner. 600 triệu đồng còn lại, một phần để gửi tiết kiệm, phần còn lại dùng để thử vận may với chứng khoán.”
Quả thật anh Long đã gặp may với chứng khoán dù giai đoạn đầu có phần hơi lận đận. Cơn sốt chứng khoán giai đoạn tháng 7 và tháng 8/2021 khiến vợ chồng anh quyết tâm nâng đời xe bằng cách… bán xe để lấy tiền chơi chứng khoán.
Rồi chung guồng xoáy bốc hơi, giờ đây vợ chồng anh rơi vào cảnh vừa mất đất, vừa mất xe.
“May mắn là tôi không phải vay ngân hàng, chứ nếu không thì sẽ không biết phải lấy gì để trả nợ. Chứng khoán giảm điểm thì cũng sẽ có lúc tăng, ngay cả trong lúc thị trường hoảng loạn thì vẫn có cơ hội. Nhưng chắc phải còn rất lâu nữa tôi mới dám quay lại thị trường.”, anh Hà Văn Long bộc bạch.
Bài học ở đây có thể nhìn ra từ lời khuyên của ông Phạm Quang Huy - Giám đốc trung tâm khách hàng cao cấp CTCP Chứng khoán KBSV chia sẻ với truyền thông: F0 mới vào thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu bằng một số vốn nhỏ. Khi lợi nhuận tăng trưởng hấp dẫn 30% thì dồn vốn gấp 4 hay 5 lần vào. Sau đó tăng trưởng thêm 10% thì lại tất tay. Khi đó, chỉ cần một đợt điều chỉnh sẽ có thể xoá bỏ toàn bộ thành quả từ trước đến nay.
Nhà đầu tư cần trân trọng các khoản lợi nhuận trong quá khứ bởi không phải đầu tư thời điểm nào cũng đem lại khả năng sinh lời 30-40% trong chớp nhoáng. Đừng để thị trường hấp dẫn làm giải ngân vượt quá giới hạn.
Ngân Giang