Vợ chồng cãi nhau chỉ vì Tết nội – Tết ngoại

Lam Chi| 13/01/2023 18:34

Mỗi độ Tết đến xuân về, bên cạnh muôn vàn nỗi lo chuẩn bị cho Tết nhất, không ít chị em lại còn thêm nỗi khổ phải đấu tranh với chồng quanh chuyện ăn Tết nơi nào, biếu Tết hai bên ra sao… Tết nội – Tết ngoại sao cho vẹn cả đôi đường?

6 năm chưa được về ăn Tết cùng ba mẹ

Lấy chồng được 6 năm, năm nào Tết đến, Thư - 30 tuổi, giáo viên một trường Tiểu học ở TP. HCM,  cũng về Hòa Bình để ăn Tết cùng nhà chồng.

Chồng cô là con trai một, sống xa quê. Thương cha mẹ ở quê nên năm nào anh cũng đưa vợ con về đón Tết cùng ông bà. Ngay từ khi yêu nhau Thư đã phải lép vế với tính gia trưởng của chồng. Sau vài lần phản ứng yếu ớt muốn về quê ngoại ăn Tết không thành, bị chồng dọa “mình cô về! Để con về với tôi!”, thương con nên cô lại đành lầm lũi về nhà chồng. Cứ thế 6 năm qua, bạn bè không thể tin nổi Thư chưa được một lần ăn Tết cùng cha mẹ đẻ của mình.

relationshiptension.jpg
Nhiều cô vợ mệt mỏi vì không được về ăn Tết cùng nhà ngoại mỗi dịp xuân về.

Hôm ấy, Thư về và có buổi nói chuyện nghiêm túc cùng chồng. Cuộc trò chuyện diễn ra căng thẳng, hai vợ chồng đã to tiếng rất nhiều. Kết thúc buổi trò chuyện, Thư đã quyết định đổi vé máy bay. Mình cô về nhà ăn Tết cùng cha mẹ sau 6 năm nín nhịn theo ý chồng. Đêm đó Thư nằm ôm con khóc. Chồng Thư vẫn đang căng thẳng với vợ. Hai vợ chồng vẫn chiến tranh lạnh nhưng Thư ngộ ra mình không thể mãi cúi đầu nghe chồng được nữa.

Đau đầu Tết nội – Tết ngoại

Không chỉ bất đồng về chuyện đón Tết nơi nào, nhiều cặp vợ chồng còn mâu thuẫn nhau mỗi khi Tết về chỉ vì chuyện biếu xén quà cáp hai bên. Có gia đình chỉ vì biếu bên nội nhiều hơn bên ngoại, “nhất bên trọng nhất bên khinh” mà vợ chồng căng thẳng làm không khí những ngày cận Tết thêm “khó thở”.

ngomel.jpg
Không thiếu những cuộc cãi vã khiến người trong cuộc mệt mỏi.

Anh Hoài và chị Ánh chung sống với nhau đến nay đã gần 10 năm nhưng vẫn chưa thống nhất được nhau về chuyện Tết nội – Tết ngoại. Vì cả nhà thường về ăn Tết bên ngoại nhiều ngày hơn nên chị Ánh muốn được biếu ông bà nhiều hơn. “Tết về nội đã tốn kém vé máy bay đi lại và quà cáp cho bà con họ hàng nên mình nói chồng chỉ mừng tuổi ba mẹ tượng trưng mỗi người ít thôi mà anh không chịu. Anh đòi biếu nhà ngoại sao thì nhà nội vậy. Trong khi vợ chồng con cái ở gần quanh năm toàn kéo nhau về ăn nhà ngoại, con cái đi làm gửi ngoại chăm, tiền mua nhà vừa rồi ngoại cho không ít”. Đáp lại lời vợ, anh Hoài bực bội: “Nói như cô bên nội tôi không có tiền thì không đáng trọng bằng bên ngoại à?”. Cứ thế, mỗi năm anh chị lại đều lục đục nhau chuyện quà cáp hai đằng chỉ vì không tìm được tiếng nói chung. Chị cho anh keo kiệt với đằng ngoại, chỉ biết đằng nội. Anh lại cho chị xem nhà chồng không ra gì.

Vẹn cả đôi đường

Không thể phủ nhận khi lập gia đình, rất nhiều những câu chuyện xung quanh gia đình nội ngoại hai bên ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc vợ chồng. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia hôn nhân gia đình đưa ra lời khuyên cho các cặp đôi trước khi về chung tổ ấm với nhau đều là cần thống nhất quan điểm về tiền bạc, đối xử nội – ngoại hai bên, con cái… Những vấn đề được trao đổi và thống nhất rõ ràng trước hôn nhân sẽ trở thành quy luật giúp duy trì tổ ấm.

an-tet-nha-noi-an-tet-ngoai-0.jpg
Những trao đổi rõ ràng, thống nhất trên cơ sở lắng nghe và tôn trọng nhau sẽ giúp giữ hòa khí gia đình.

Nhiều gia đình vợ chồng chọn cách trung thực và rõ ràng với nhau trong việc biếu hai bên nội ngoại số tiền cho phù hợp, tùy theo điều kiện kinh tế gia đình. Nếu số tiền biếu đều đặn theo tháng cũng nên có sự đồng đều tránh cho người bạn đời cảm thấy “bên trọng bên khinh”. Với những năm kinh tế eo hẹp do mua nhà cửa, nợ nần, việc biếu Tết nội ngoại hai bên cũng có thể giảm bớt cho phù hợp, tránh quá sức.

Về chuyện ăn Tết nhà ai, nhiều ông chồng không ngại tiết lộ họ luôn muốn về ăn Tết cùng cha mẹ sum vầy dịp đầu năm thoải mái hơn là phải “ở rể” mấy ngày nhà ngoại. Tuy nhiên, việc có những anh chồng gia trưởng đến mức áp đặt vợ, không cho vợ về ăn Tết cùng cha mẹ một thời gian dài lại là điều không thể chấp nhận. Có nhiều gia đình chọn cách phân chia công bằng qua việc ăn Tết cả hai nơi hoặc năm nay ăn Tết nội, năm sau sẽ về nhà ngoại. Điều này khiến các cô vợ cũng không phải chạnh lòng, các anh chồng cũng được tiếng là người chồng tâm lý.

Tết là dịp nghỉ ngơi, quây quần gia đình bên nhau. Chính vì vậy, vợ chồng đạt tiếng nói chung sẽ khiến cả hai thêm tôn trọng nhau, hôn nhân thêm bền chặt, ngày xuân thêm ý nghĩa bởi sự sum vầy thay vì mệt mỏi với những giận hờn, cãi vã.

Bài liên quan
  • Tiền anh – tiền em
    'Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát' nhưng trong cuộc sống hôn nhân không phải cái gì cũng như ý và có muôn vàn câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh việc tiền anh – tiền em.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vợ chồng cãi nhau chỉ vì Tết nội – Tết ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO