Tôi đọc bài viết “Mỗi năm, vợ chồng tôi ai về quê người đó ăn Tết” của tác giả Gia Hân được chia sẻ trên một diễn đàn mạng và ngạc nhiên vì có không ít bình luận ủng hộ giải pháp “quê ai nấy về” này.
Cách này nếu chỉ áp dụng trong một vài trường hợp đặc biệt, hãn hữu thì được, chứ nếu trở thành thường lệ thì cực kỳ tai hại, chẳng những ảnh hưởng đến hòa khí gia đình, khiến ông bà hai bên phải suy nghĩ mà còn đi ngược lại truyền thống, ý nghĩa tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Ý nghĩa tuyệt vời nhất của ngày Tết, đó chính là đoàn viên, là khi mọi thành viên dù đi học, đi làm ăn xa cũng trở về với gia đình. Gia đình lớn còn tập hợp, vậy mà gia đình nhỏ lại xé lẻ ra, vợ về quê vợ, chồng về quê chồng, con cái hoặc theo bố hoặc theo mẹ, vậy thì Tết là ngày sum họp hay ngày chia ly đây?
Ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại là chuyện luôn gây tranh cãi, thậm chí là hục hặc trong các gia đình trẻ. Mỗi nhà mỗi cảnh, có gia đình thì gần như chỉ ăn Tết bên nội, có gia đình thì dăm bảy năm mới ăn Tết ngoại một lần, có nhà thì phân chia công bằng, mỗi năm về một quê. Tất cả đều ổn nếu vợ chồng đồng thuận được với nhau. Nhưng dù ăn Tết quê nào thì vợ chồng con cái phải đi cùng nhau chứ không thể mỗi người một nơi được.
Nhiều phụ nữ cứ nghĩ mình về được thì bố mẹ sẽ vui, nhưng thật ra các cụ sẽ suy nghĩ nếu chỉ thấy con gái mà không thấy con rể. Các cụ sẽ lo, liệu có phải vì hai đứa đang giận nhau nên con gái mình mới về một mình; liệu nó về một mình thế này có làm sứt mẻ tình cảm với ông bà thông gia…? Đó là chưa kể hàng xóm đến chúc Tết hỏi sao cô về mà chú ấy không về, rồi đoán già đoán non, khiến bố mẹ già càng khó xử.
Về phía ông bà nội chắc chắn sẽ không vui khi cứ đến Tết là con cháu mỗi đứa mỗi nơi, sẽ chạnh lòng khi thấy con dâu hơn thua với chồng. Đây là vấn đề rất tế nhị, có thể các cụ không nói ra nhưng những lấn cấn trong suy nghĩ cũng sẽ ảnh hưởng đến tình cảm.
Nam nữ bình đẳng, nội ngoại không phân biệt nhưng đừng cứng nhắc đến nỗi quê ai người ấy về. Tết mà như vậy buồn lắm!