Vỡ 'bong bóng' bất động sản, 10 năm Việt Nam chưa xử lý xong nợ

08/06/2022 19:35

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, không có chuyện "siết" tín dụng hay chỉ đạo kiểu "chặn" đường phát triển của doanh nghiệp bất động sản.

Thông tin tại Hội thảo “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” diễn ra sáng 7/6 tại TP.HCM, Phó Thống đốc NHNN - ông Đào Minh Tú khẳng định, cơ quan này chưa có văn bản hay phát ngôn nào chỉ đạo việc siết tín dụng, chặn tín dụng hay chặn đường phát triển của doanh nghiệp BĐS.

Chính sách của NHNN đối với tín dụng BĐS ở đây là kiểm soát, đảm bảo rủi ro, không để các tổ chức tín dụng trở thành các tổ chức tín dụng yếu kém, mất an toàn. Ngành ngân hàng phải đảm bảo an toàn hệ thống NHTM, các tổ chức tín dụng bởi một khi đổ vỡ thì hệ lụy vô cùng lớn. Chỉ cần các tổ chức tín dụng bị đánh giá năng lực yếu kém thì chỉ số cũng như hệ số an toàn tài chính quốc gia sẽ bị quốc tế đánh giá thấp, lập tức ảnh hưởng tới câu chuyện uy tín quốc tế hay dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Do đó, để xuất hiện tổ chức tín dụng yếu kém, cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát tín dụng khi đầu tư vào lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao. Ví dụ, NHNN quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng khi cho vay vào lĩnh vực BĐS, như với những dự án có phân khúc lớn, có giá trị lớn do tiền dồn vào nhiều, mất thanh khoản hoặc các DN không trả được để lại đống nợ xấu. Không dừng lại, các dự án này có nguy cơ bị lũng đoạn thị trường, đầu cơ, thổi giá… tạo hiện tượng BĐS nóng.

Cũng không thể vì mục tiêu lợi nhuận của DN bởi sẽ ảnh hưởng tới không chỉ kinh tế vĩ mô mà ảnh hưởng cả an sinh xã hội của người nghèo. Khi người dân muốn có một căn nhà mà giá cứ bị đẩy lên 5-7 tỷ đồng thì suốt đời không mua được nhà.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, không có chỉ đạo nào liên quan đến siết tín dụng bất động sản (ảnh: Trần Chung)

Theo đại diện NHNN, chỉ một buổi sáng, từ cán bộ đến người dân ngồi cà phê ai cũng bàn chuyện mua nhà chỗ nọ chỗ kia. Đây có phải mua để ở hay đầu cơ, kinh doanh? Do thổi giá, có biệt thự lên tới cả trăm tỷ đồng, hay vài trăm tỷ/căn nhà tại TP.HCM. Do đó, đây là lĩnh vực cần kiểm soát. Phải dành là ưu tiên tín dụng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp hay xây lại những chung cư cũ…

Trong khi đó, đối với những DN có năng lực, có tài chính, có kinh nghiệm quản lý, tổ chức xây dựng dự án, có hiệu quả thì không phải đối tượng ngăn cản tín dụng. NHNN vẫn khuyến khích các NHTM quan tâm và mạnh dạn cho vay với các dự án như thế, không có chính sách “siết”, “thắt” tín dụng vào lĩnh vực này.

Dẫu vậy, quyền quyết định là ở các NHTM chứ NHNN không can thiệp vào quyết định cho vay hoặc không cho vay của các ngân hàng. Việc cho vay trên cơ sở thẩm định dự án và nhu cầu vốn của DN, ngân hàng sẽ đánh giá năng lực của các đơn vị, các dự án có hiệu quả, thu hồi được nợ, không có rủi ro thì mới quyết định cho vay. Dễ hiểu, NHTM cũng là DN, huy động tiền của dân và có trách nhiệm trả tiền cho người gửi tiền. Khi đem tiền cho vay phải thu hồi được nợ.

Vỡ bong bóng bất động sản, 10 năm Việt Nam chưa xử lý xong nợ

Phó Thống đốc Đào Minh Tú dẫn chứng, bản thân Việt Nam từ năm 2009-2012 đã nếm bài học bong bóng BĐS. Khi bong bóng xẹp xuống chỉ còn lại nợ xấu ngân hàng, để lại hậu quả không nhỏ. 10 năm sau, nợ xấu vẫn chưa xử lý xong. Điều này ảnh hưởng đến 100 triệu dân, đến nền tài chính quốc gia, ảnh hướng đến quá trình phát triển khi nợ xấu như cục máu đông.

Thực tế, đang có 2.288.278 tỷ đồng đang cho vay vào lĩnh vực BĐS hiện nay. Trong đó, vay kinh doanh BĐS theo phân khúc dự án khoảng hơn 750.000 tỷ, còn hơn 1,5 triệu tỷ là cho vay đối tượng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại … Tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS vẫn đạt 10,19% nên không thể nói có động thái “siết” nào ở đây.

Vừa qua rộ lên câu chuyện “siết” tín dụng, một số ngân hàng chặt chẽ trong vấn đề cho vay thì một phần đến từ chính vấn đề của các doanh nghiệp BĐS. Đặc biệt, một số vụ án đã làm mất lòng tin của nhà đầu tư.

Cũng theo số liệu báo cáo Quốc hội, 94% khoản cho vay trong lĩnh vực BĐS hiện là cho vay trung, dài hạn từ 10 năm trở lên trong khi huy động lại là ngắn hạn. Như vậy, rủi ro sẽ xảy ra nếu chỉ tập trung cho vay số tiền quá lớn vào một DN hoặc quần thể một DN.

Trần Chung 

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vỡ 'bong bóng' bất động sản, 10 năm Việt Nam chưa xử lý xong nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO