01
"Đây, anh đọc rồi kí đi, em đang rất nghiêm túc", Hoài đặt 2 tờ A4 trước mặt chồng. Thanh ngơ ngác hỏi lại vợ: "Em bị hâm à, tự nhiên dở chứng ra quy với chả định, bao nhiêu tuổi rồi còn làm cái trò trẻ con này".
Tranh minh họa
Thế nhưng với sự cương quyết của Hoài, Thanh vẫn phải kí vào bản thỏa thuận anh cho là buồn cười ấy: Thỏa thuận ăn Tết.
Vợ chồng Hoài cưới nhau cũng hơn 20 năm, con gái lớn của họ đã 20 tuổi. Hoài năm nay 45, nói già không già nhưng đương nhiên cô cũng không trẻ. Hoài có 5 năm sống chung với bố mẹ chồng, văn hóa gia đình và tính cách từng người nhà Thanh, Hoài hiểu hết.
Mẹ chồng cô không xấu, ngược lại bà là người rất chăm chỉ, chịu khó nhưng vẫn giữ tư tưởng xưa cũ. Ở nhà bố chồng Hoài luôn là to nhất, mọi vấn đề công việc trong nhà nhỏ hay lớn bà đều không dám quyết thay ông.
Mỗi dịp Tết đến như 1 cực hình với Hoài. Mẹ chồng cô sẽ lên 1 danh sách những việc cần làm, những người họ hàng cần đến thăm nhà trước Tết và trong Tết, những ngày cúng cơm mời đông đủ hay chỉ nhà mình ăn… Làm dâu bao năm nhưng Hoài vẫn không thể quen nổi văn hóa ăn Tết nhà chồng, phụ nữ không một phút nào thảnh thơi.
02
Hoài từng tâm sự với chồng: "Anh có biết ở nhà với mẹ em căng thẳng thế nào không. Em không hiểu sao lúc nào mẹ cũng làm luôn chân luôn tay, không cái này thì cái khác làm em không dám ngồi không. Có những lúc bố ngồi sát nồi cơm nhưng vẫn phải đưa bát cho mẹ xúc. Giờ đến lượt anh, cả năm có mấy ngày Tết mà chưa 1 năm nào mẹ con em được xúng xính quần áo đi chơi. Anh đến nhà nào anh say ở nhà đấy, rồi anh bày bừa cho người khác dọn. Nhờ anh rửa bát thì em sợ mẹ nói nhưng bản thân anh phải biết tự giác chứ".
Thế nhưng đúng là nếp nhà, mẹ Thanh làm hết mọi việc nên bố con anh chả phải làm gì, lúc nào cũng ung dung hưởng thụ.
Tranh minh họa
Năm nay Hoài quyết vùng lên ngay từ sớm. Con gái lớn của cô đã 20 tuổi, cũng đến tuổi có bạn trai. Cô không muốn nó chứng kiến những cái Tết tất bật của bà và mẹ nó, nhỡ đâu nó sẽ tự hình thành suy nghĩ phụ nữ nào cũng phải vậy.
Hoài đã làm 1 bản thỏa thuận với các điều khoản rõ ràng dành cho Thanh. Nếu anh không thực hiện nghiêm chỉnh trong dịp Tết này cô sẽ ly hôn.
Hoài ôn lại kỉ niệm từng cái Tết cho chồng nghe, kể trong nước mắt xem mỗi năm anh đã ghi những "chiến tích" gì. Cuối cùng Thanh cũng phải chịu thua vì không thể cãi nổi những cố gắng, cam chịu của vợ suốt bao năm qua. Bỗng dưng anh thấy mình tệ quá.
03
Dù là mẹ chồng hay con dâu, vai trò của phụ nữ trong dịp Tết Nguyên Đán thường rất quan trọng, khắt khe nhưng lại vô vị. Từ việc chuẩn bị các món ăn, cơm cúng, trang hoàng nhà cửa đến việc kết nối tình cảm với người thân, bạn bè và cuối cùng là dọn dẹp hậu quả sau mỗi bữa ăn.
Tại sao phụ nữ lại làm khổ phụ nữ?
Từ những bài tâm sự được các nàng dâu đăng tải trên mạng, có thể thấy thông thường các bà mẹ chồng cho rằng nên tuân theo quy tắc truyền thống. Con dâu thường phải đảm nhận rất nhiều việc: làm cơm cúng, dọn dẹp, chúc Tết, tiếp khách và lại dọn dẹp… Trong khi ngày Tết nhà ai cũng nhiều việc, đi đâu cũng vài 3 chén rượu, dăm ba câu chuyện nên có những gia đình, về chúc Tết nhà ngoại sớm cũng là 1 thử thách.
Tranh minh họa
Cuốn sách của Hàn Quốc "Điều Con Dâu Muốn Nói" có đoạn Tết Trung thu, mẹ chồng và con dâu bận rộn ra vào. Bà lúc thì nướng bánh gạo và nướng thịt rồi lại dọn đồ ăn thừa. Con dâu được mẹ chồng gọi ngồi vào bàn trong góc, trong khi đàn ông dùng bữa ở bàn chính. Họ khen ngợi mẹ chồng siêng năng, đồng thời "thông cảm" cho con dâu trong công việc và nhờ mẹ chồng nấu thêm canh.
Nàng dâu đề nghị giúp đỡ, mẹ chồng than thở về việc phụ nữ đi làm vất vả như thế nào, thời nay nam nữ đều phải kiếm tiền vất vả trang trải cuộc sống. Khi nàng dâu đang một mình nấu canh rong biển trong bếp, bên tai vang lên những giọng nói tán thành từ họ hàng khen ngợi họ. Từ khung cảnh trong cuốn sách trên, có thể thấy, bất bình đẳng giới thấm sâu vào những tương tác hàng ngày theo những cách bình thường đến mức mọi người không nhận thức được hoặc không thể giải thích rõ ràng.
Đặc biệt, Tết Nguyên Đán có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ bất bình đẳng giữa đàn ông và phụ nữ, giữa vợ và chồng.
Cấu trúc gia đình đôi khi khiến dịp Tết Nguyên Đán thường trở thành cuộc giằng co giữa mẹ chồng và con dâu. Vì thế lúc này người đàn ông ở giữa có vai trò vô cùng quan trọng.
Nếu bạn là người đàn ông biết suy nghĩ, biết thương cả mẹ cả vợ, bạn sẽ chủ động đề nghị san sẻ việc nhà, thay đổi tư duy xưa cũ của mẹ mình trong bao năm. Muốn những người phụ nữ trong nhà bớt vất vả thì chỉ có cách duy nhất là đàn ông san sẻ công việc với họ. Đừng để sự vô tâm của bạn trở thành nền móng hình thành lối tư duy phụ nữ là phải thế này, thế kia cho con gái bạn sau này. Tết là 1 kì nghỉ dài, hãy để những người phụ nữ được nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Theo Phụ Nữ Việt Nam