Với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, VN-Index đóng cửa tuần qua ở mức 1.466 điểm, mất đi 38,79 điểm tương đương 2,58%. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HoSE đạt 29.030 tỷ đồng, là mức cao nhất trong vòng 7 tuần,
Tỉ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm dầu khí, chứng khoán, xây dựng và vật liệu; giảm ở nhóm ngân hàng, tài nguyên cơ bản, và bất động sản.
Nhóm hàng hoá tiếp tục “nóng” với những câu chuyện riêng về triển vọng ngành, doanh nghiệp, ảnh hưởng từ giao tranh Nga – Ukraine. Cổ phiếu hàng hóa cơ bản tiếp tục là tâm điểm, tập trung vào nhóm dầu khí, phân bón, nikel, than, inox... Sau đà tăng mạnh, có cổ phiếu tăng gấp 1,5 - 2 lần chỉ qua 1 tháng, tuần qua, nhóm này chịu áp lực chốt lời ngắn hạn.
Tại nhóm dầu khí, việc dầu Brent vẫn ở dưới mức 110 USD/thùng (lao dốc khoảng 2% trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 10/3) đã tác động không nhỏ đến diễn biến của cổ phiếu. Cổ phiếu dầu khí “nhạy cảm” biến động giá dầu thế giới.
Phiên cuối tuần qua, họ “P” có PVC giảm sàn, PXT giảm 7,2%, PXS, PVD, PVS đều giảm mạnh. PLX giảm 5,4%, GAS giảm 4,7%, là những ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số.
Các nhóm cổ phiếu hàng hóa “hot” thời gian này như thép, than, khoáng sản... cũng đều biến động mạnh tương tự dầu khí. Trong khi đó, nhóm phân bón vẫn giữ được nhịp tăng tốt.
Một nhóm cổ phiếu khác gây chú ý tuần qua, là inox. Trước đà tăng dựng đứng của niken (một trong những thành phần của inox), cổ phiếu inox “thơm lây”, ITQ, KVC tăng trần 2 phiên liên tiếp, thanh khoản tăng vọt. Thị giá 2 cổ phiếu này tăng lần lượt 26% và 30% chỉ qua 1 tuần.
Còn PC1, cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết duy nhất sở hữu mỏ niken tại Việt Nam tăng hơn 15% trong tuần. Năm 2021, PC1 mua lại 57,27% cổ phần của CTCP khoáng sản Tấn Phát, trở thành công ty mẹ của khoáng sản Tấn Phát. Khoáng sản Tấn Phát là chủ sở hữu mỏ niken - đồng tại khu vực xã Quang Trung và xã Hà Trì, tỉnh Cao Bằng.
Cũng trong nhóm hàng hoá, dòng tiền cuối tuần có sự luân chuyển sang nhóm xi măng, gỗ.
Đáng chú ý tuần qua, nhóm chứng khoán có sự cải thiện dòng tiền mạnh trong nhiều tuần và tỉ trọng giá trị giao dịch đã tăng lên 10,07%, là mức cao nhất trong 6 tuần liên tiếp.
Đây là nhóm ngành có sự phân hóa mạnh và dòng tiền đổ vào các cổ phiếu với những câu chuyện riêng. Chỉ có 7/34 mã chứng khoán tăng điểm trong tuần trong đó có VND 4% đứng thứ 2 về mức tăng điểm (sau PSI) với câu chuyện tăng vốn được thông qua và tăng trần vào ngày chốt quyền.
Trong tuần, dòng tiền tập trung vào VND, SSI, SHS, VCI, HCM, APS. Thanh khoản của VND trong tuần tăng 29% so với trung bình 1 tháng trong khi thanh khoản của SSI tăng 36%. Tuy nhiên giá của SSI điều chỉnh giảm 3,4% trong tuần. SSI là doanh nghiệp tiếp theo trong ngành có câu chuyện tăng vốn sắp diễn ra. Ngoài ra còn có SHS, VCI cũng là các mã có kế hoạch tăng vốn. Nhóm chứng khoán cũng được hưởng lợi từ giá trị giao dịch tăng trở lại trong những tuần gần đây.
Khối ngoại bán ròng đột biến 5.431 tỷ đồng
Tuần qua, xu hướng bán ròng HPG và VIC của khối ngoại vẫn tiếp diễn, ghi nhận tuần thứ 7 liên tiếp, Tuy nhiên giá trị bán ròng mã HPG và VIC đã giảm. VHM cũng bước sang tuần thứ 2 được bán ròng trái ngược với 17 tuần mua ròng liên tiếp trước đó.
Điểm đáng chú ý là nước ngoài bán ròng mạnh chứng chỉ quỹ, một động thái ít xảy ra. Theo số liệu từ FiinGroup, top cổ phiếu mua ròng khớp lệnh tuần này của nước ngoài gồm STB, NKG, DGC, SBT, VCG. Ngược lại, họ bán ròng tập trung vào HPG, FUEVFVND, VHM, MSN, VIC.
Tổ chức trong nước cũng bán ròng 1.193 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 1.199 tỷ. Top các mã mua ròng: FUEVFVND, GAS, VPB, APH, E1VFVN30. Họ bán ròng khớp lệnh mạnh nhất HPG, DGC, DXG, SSI, PNJ.
Nhà đầu tư cá nhân là bên duy nhất mua ròng, với giá trị 6.534 tỷ đồng trên HoSE. Tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 6.306 tỷ đồng. Họ mua ròng khớp lệnh mạnh nhất HPG, DGC, VHM, MSN, NVL, VIC. Ngược lại, NKG, STB, APH, VPB, STB, HAH bị bán ròng mạnh nhất.