Mô hình điều trị người bệnh nội trú cũng có nhiều thay đổi, cùng với đó là trình độ khoa học trên thế giới phát triển cao, bệnh viện luôn phải huy động tốt mọi nguồn lực, tích cực cập nhật kiến thức và xây dựng quy trình, phác đồ khám chữa bệnh hiện đại để cứu chữa được nhiều nhóm bệnh khó, phức tạp, bệnh mới nổi. Từng ấy công việc cần giải quyết khiến một ngày của người thuyền trưởng bộn bề hơn.
Luôn phải tiến về phía trước
Một ngày làm việc của PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương bắt đầu từ sáng sớm đến tối muộn. Từ công việc chuyên môn đến điều hành, quản lý... đều cần sự tham gia, chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo bệnh viện. Thậm chí bữa trưa, PGS.TS Trần Minh Điển cũng tranh thủ dùng suất cơm được vợ chuẩn bị mang đi tại phòng rồi lại bắt tay vào công việc thường ngày.
Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi khoa, đặc biệt là Hồi sức cấp cứu Nhi, đến nay PGS.TS Trần Minh Điển đã công tác qua nhiều vị trí từ bác sĩ nội trú, bác sĩ điều trị khoa Hồi sức cấp cứu, Phó trưởng khoa Hồi sức ngoại, Trưởng khoa Hồi sức ngoại, Phó Giám đốc và nay là Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Cả quãng thời gian dài cống hiến cho sự nghiệp ngành y, PGS.TS. Trần Minh Điển đều gắn bó dưới ngôi nhà Bệnh viện Nhi Trung ương.
Từng ấy năm gắn bó, PGS.TS. Trần Minh Điển cùng các đồng nghiệp đã trải qua nhiều cung bậc vui buồn, lo lắng, hạnh phúc, thất bại, thành công... đều nếm cả. Còn nhớ dịch sởi năm 2013 - 2014, dịch bùng phát trên toàn quốc với số ca tăng lên nhanh chóng từng giờ, từng ngày. Năm 2014, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) được coi là điểm nóng ổ dịch sởi, đặc biệt số trẻ tử vong lên đến hơn 100 ca. Nhiều ca bệnh diễn biến lạ. Nguyên nhân chủ yếu là bệnh nhân dồn quá đông vào một vị trí dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo, nhiễm trùng bệnh viện; chất lượng điều trị giảm, lực lượng chăm sóc không đủ. Trong số hơn 100 ca tử vong có 25 ca do bệnh sởi, còn lại là do mắc sởi kết hợp với các bệnh nền khác như: Viêm phổi, viêm đường hô hấp, tim mạch, suy dinh dưỡng...
“Thời điểm đó, bệnh viện như mặt trận nóng từng giờ, từng ngày. Nhân viên y tế cùng ăn, cùng ngủ với người bệnh để làm sao khống chế được dịch. Mọi nỗ lực đã được đền đáp khi dịch sởi được khống chế thành công nhưng cũng để lại nhiều hậu quả, bài học”, PGS.TS Trần Minh Điển nhớ lại.
Vào thời kỳ dịch bệnh COVID-19 bùng phát năm 2020 - 2021, PGS.TS. Trần Minh Điển đã chỉ đạo và cùng nhân viên bệnh viện tham gia và hoàn thành xuất sắc công tác phòng chống dịch ngay tại bệnh viện và hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, tổ chức thành lập, vận hành Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại tỉnh Vĩnh Long. Năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mặc dù số lượng khám chữa bệnh có giảm xuống, nhưng số lượng bệnh nhân nặng và phức tạp từ các tuyến chuyển đến nhiều hơn, đòi hỏi bệnh viện tập trung vừa chống dịch, vừa phải huy động mọi nguồn lực cho công tác điều trị các trường hợp bệnh nặng và phức tạp này. Khó khăn vậy nhưng bệnh viện vẫn tiếp tục thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu trong ghép gan, ghép thận, phẫu thuật tim mở, phẫu thuật cắt thùy não trẻ động kinh... Nhiều kỹ thuật mới trong khối cận lâm sàng được xây dựng và thực hiện.
Là người đứng đầu một cơ sở điều trị chuyên khoa đầu ngành lớn nhất cả nước, điều PGS.TS. Trần Minh Điển luôn trăn trở làm sao giảm được quá tải bệnh viện, giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh. Số lượng đến khám bệnh hàng ngày khoảng 3.500 - 4.500 bệnh nhân, số điều trị nội trú khoảng 1.700 - 1.800 bệnh nhân.
“Để đáp ứng được nhu cầu lớn này, tôi đã chủ động bố trí, sắp xếp lại khu vực khám bệnh ngoại trú một cách hợp lý theo từng nhóm chuyên khoa. Tổng số có gần 60 phòng khám, được bố trí làm 2 khu vực để thuận tiện cho người bệnh và gia đình người bệnh đến khám chữa bệnh, tổ chức đón tiếp sớm từ 5 giờ sáng và khám từ 7 giờ sáng để giải quyết lượng bệnh nhân từ các tỉnh, thành phố. Huy động bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm từ các khoa lâm sàng hỗ trợ các phòng khám khi cao điểm (9 - 11 giờ) nhằm điều tiết lượng người bệnh cũng như khám, sàng lọc bệnh nhân ngay từ ban đầu. Hoàn thiện quy trình khám bệnh ngoại trú với sự phối hợp tốt giữa các bộ phận liên quan như tài chính, tin học nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người bệnh. Mở thêm phòng khám tự nguyện chất lượng cao từ đầu năm 2016 với 150 - 180 bệnh nhân khám/ngày, đáp ứng nhu cầu của người dân về dịch vụ y tế chất lượng cao, hỗ trợ giảm tải bệnh viện cũng như đem lại hiệu quả kinh tế”, PGS.TS. Trần Minh Điển chia sẻ.
PGS.TS. Trần Minh Điển đã trực tiếp chỉ đạo các hoạt động chuyên môn trong đơn vị với nhiều kết quả tốt. Công tác điều trị bệnh chuyên sâu có nhiều đột phá: Ghép tủy cho nhiều loại bệnh khác nhau: bệnh Thalassemia, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ghép tự thân cho người bệnh u nguyên bào thần kinh. Chỉ đạo xây dựng các phác đồ điều trị hồi sức được áp dụng thành công cho nhóm trẻ bệnh tay chân miệng sử dụng khí NO trong điều trị tăng áp phổi trẻ sơ sinh, kỹ thuật ECMO cho trẻ mắc bệnh lý suy hô hấp cấp, ho gà ác tính, sởi ác tính, suy tuần hoàn sau phẫu thuật tim...
Hàng năm, PGS.TS. Trần Minh Điển đã chủ trì hội chẩn toàn viện cho hàng trăm trường hợp bệnh khó, bệnh phức tạp, đem lại hiệu quả, nhiều cháu bé được chẩn đoán chính xác hơn, phương pháp điều trị đúng và cứu sống được tính mạng các cháu. Ngoài công tác chuyên môn, các chức năng, nhiệm vụ khác Bệnh viện Nhi Trung ương phải thực đó là công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, quản lý bệnh viện,...
Chuyển mình, nâng cao chất lượng bệnh viện gắn liền với chăm sóc toàn diện
Với quan điểm chất lượng khám chữa bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu của bệnh viện, PGS.TS. Trần Minh Điển đã cùng tập thể lãnh đạo bệnh viện xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết từ đầu năm công tác, đưa ra các giải pháp thực hiện thiết thực. Nhờ vậy, công tác khám chữa bệnh trong từng năm tiếp tục thu được những kết quả tích cực: Triển khai hàng chục kỹ thuật mới, giúp nâng cao năng lực, chất lượng chẩn đoán điều trị cho người bệnh.
Một số kỹ thuật mới đáng chú ý bao gồm: Kỹ thuật đặt điện cực điện não đồ giám sát dưới màng cứng trước phẫu thuật động kinh đối với các trường hợp động kinh kháng thuốc - lần đầu được thực hiện ở Việt Nam với sự hỗ trợ của các giáo sư Mỹ đến từ Bệnh viện Trẻ em Alabama; kỹ thuật nút dị dạng động tĩnh mạch thần kinh và ngoại biên qua đường tĩnh mạch lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam ở trẻ em. Kỹ thuật này giúp điều trị khỏi hoàn toàn dị dạng động tĩnh mạch tới 85 - 90% mà không cần xạ trị hay phẫu thuật, khắc phục được nhược điểm hay tái phát của kỹ thuật nút dị dạng động tĩnh mạch qua đường động mạch. Tiếp tục thực hiện và đi vào thường quy các kỹ thuật cao như 311 ca lọc máu, 1.088 ca phẫu thuật tim hở, 27 ca ghép tế bào gốc, 26 ca ghép tạng với việc thực hiện tốt đồng bộ quản lý, theo dõi điều trị tốt sau ghép.
Không chỉ đảm nhận công việc điều trị, lãnh đạo PGS.TS. Trần Minh Điển còn tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học cho nhiều đối tượng sinh viên, học viên sau đại học, tham gia công tác nghiên cứu khoa học, với nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí y khoa trong và ngoài nước.Là vị thuyền trưởng PGS.TS. Trần Minh Điển phải đặt mục tiêu phát triển Bệnh viện Nhi Trung ương theo hướng chuyên sâu, hội nhập và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về khám chữa bệnh của trẻ em trong tình hình mới. Mỗi khoa, phòng, trung tâm trở thành đơn vị chuyên sâu đầu ngành của cả nước, một số lĩnh vực chuyên ngành sâu ngang tầm khu vực và thế giới. Tiếp tục xây dựng Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối, đầu ngành trong cả nước, phát triển theo hướng chuyên sâu, hội nhập và nâng cao chất lượng bệnh viện gắn liền với chăm sóc toàn diện, đáp ứng nhu cầu đa dạng về khám, chữa bệnh cho trẻ em trong tình hình mới. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác khám chữa bệnh và quản lý bệnh viện.