Vĩnh Phúc ưu tiên biện pháp đốt rác thải của F0

Thế Kha| 11/03/2022 22:37

Khuyến khích việc lưu chứa tạm thời chất thải lây nhiễm tại hộ gia đình F0 nhưng đảm bảo quy định và thu gom một lần khi F0 khỏi bệnh để xử lý; ưu tiên xử lý bằng biện pháp đốt.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản hướng dẫn quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt liên quan đến F0 trên địa bàn nhằm đảm bảo không phát tán, lây nhiễm mầm bệnh Covid-19.

Cụ thể, chất thải phát sinh từ phòng cách ly của người nhiễm Covid-19 (F0) được quản lý, điều trị tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm.

Quy trình xử lý rác thải của F0

Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc yêu cầu các chất thải này phải bỏ vào túi nilon hoặc thùng có lót túi nilon, sau đó xịt cồn 70 độ để khử khuẩn và buộc chặt miệng túi, tiếp tục bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy kín, có biểu tượng cảnh báo chất thải ghi dòng chữ "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".

Vĩnh Phúc ưu tiên biện pháp đốt rác thải của F0 - 1

Thu gom rác thải sinh hoạt (Ảnh: Nguyễn Trường).

"Trước khi thu gom phải kiểm tra túi đựng chất thải để đảm bảo túi đựng chất thải lây nhiễm đã được buộc kín (trường hợp chưa buộc kín hoặc đã buộc nhưng bị bung, tuột,.. thì phải buộc lại cho chắc chắn), sau đó các túi chứa chất thải đã được buộc kín được tiếp tục được bỏ vào nilon loại to hơn, tiến hành buộc chặt, đảm bảo chắc chắn không rơi vãi chất thải và sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm để vận chuyển đi xử lý"- Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc nêu rõ.

Tùy thuộc vào tình hình, điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, diễn biến số ca F0 phát sinh trên địa bàn, kết thúc quá trình cách ly, điều trị F0 (khi F0 khỏi bệnh) toàn bộ chất thải lấy nhiễm được thu gom một hoặc nhiều lần để xử lý theo quy định.

Vĩnh Phúc khuyến khích việc lưu chứa tạm thời chất thải lây nhiễm tại hộ gia đình F0 nhưng đảm bảo quy định và thu gom một lần khi F0 khỏi bệnh để xử lý.

Trong quá trình thu gom, túi đựng rác thải của F0 phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra bên ngoài.

Về xử lý chất thải lây nhiễm, cơ quan này yêu cầu phải phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của mỗi địa phương nhưng ưu tiên xử lý bằng biện pháp đốt, nhất là các lò đốt chất thải y tế đã được đầu tư tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Vĩnh Phúc ưu tiên biện pháp đốt rác thải của F0 - 2

Lò đốt rác quy mô nhỏ tại xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: TTXVN).

Thu gom riêng rác thải thông thường, khử khuẩn bằng cồn

Ngoài ra, rác thải sinh hoạt thông thường phát sinh hàng ngày của các thành viên trong gia đình có F0 phải được phân loại và thu gom riêng biệt với chất thải lây nhiễm.

Rác này được phun khử khuẩn bằng cồn 70 độ trước khi cho vào bao gói, buộc chặt, tập kết đúng nơi quy định, khuyến khích để rác thải trong các thùng đựng rác có nắp đậy, tránh côn trùng, chuột xâm nhập.

Toàn bộ rác thải này phải được đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường của địa phương (Công ty dịch vụ vệ sinh môi trường đô thị, Hợp tác xã hoặc tổ dịch vụ vệ sinh môi trường...) thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đối với rác thải sinh hoạt thông thường, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Vĩnh Phúc cũng ưu tiên xử lý bằng biện pháp đốt tại các lò đốt rác thải sinh hoạt.

"Kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm, rác thải sinh hoạt thông thường được sử dụng từ nguồn sự nghiệp môi trường, nguồn kinh phí phục vụ phòng chống dịch Covid-19 đã được cấp hoặc các nguồn hợp pháp khác"- cơ quan này nêu rõ.

Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn các đơn vị y tế thuộc thẩm quyền tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình có người bệnh Covid-19 cách ly, điều trị tại nhà, nơi lưu trú thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại chất thải tại gia đình.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc ưu tiên biện pháp đốt rác thải của F0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO