Bà L.H.T (75 tuổi, ở xã Long Phước, huyện Long Hồ) cho biết, con ruột của bà là anh N.C.M (53 tuổi) đã phát bệnh nặng hơn 10 ngày qua. Hiện anh M đang được điều trị tích cực, thở máy oxy liên tục, tình hình không được khả quan.
“Do gia đình khó khăn, lao động chân tay, ai thuê việc gì làm việc đó nên cũng không chú ý đến tình hình sức khỏe. Chính vì vậy mà trong người mắc bệnh lao cũng không hay biết. Mỗi khi ho, sốt thì tự ý mua thuốc uống nên bệnh ngày càng nặng thêm”, bà T cho biết.
Theo bà T, cũng từng có đoàn y tế đến địa phương tầm soát bệnh, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chạy cơm từng bữa nên gia đình bà không đi tầm soát. Đến khi phát hiện thì con bà đã phát bệnh rất nặng.
Ông T.V (sinh năm 1954, ở TP Vĩnh Long) cho biết: “Khoảng 1 tháng nay, tôi bị sụt cân, mệt, khó thở, ho nhiều và hay sốt về chiều. Khi người nhà đưa đến bệnh viện để khám, được bác sĩ làm các xét nghiệm, tôi mới biết mình bị mắc bệnh lao”.
Theo ông V, gia đình không ai từng mắc bệnh lao phổi. Bản thân ông cũng không làm công việc gì nặng nhọc và đang sống trong không gian thoáng nhưng không hiểu vì sao lại mắc bệnh này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tha, Trưởng Khoa điều trị Lao - Lao/HIV - Lao kháng thuốc Bệnh viện phổi tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay, với sự phát triển nhanh của y học, việc điều trị bệnh lao phổi không còn gặp nhiều khó khăn.
“Nếu bệnh nhân tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, tình trạng bệnh có thể được cải thiện nhanh chóng. Điều trị bệnh lao phổi đòi hỏi bệnh nhân phải có sự kiên trì. Thông thường thời gian điều trị kéo dài ít nhất là 6 tháng”, bác sĩ Tha cho biết thêm.
Ngày 3.11, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Đông - Giám đốc Bệnh viện phổi tỉnh Vĩnh Long - thông tin, từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 10.2023, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long phát hiện trên 1.300 trường hợp mắc bệnh lao. Trong đó có nhiều trường hợp mắc bệnh do chủ quan, không chú ý đến sức khỏe, không đến tầm soát khi có đoàn đến thực hiện tại địa phương, khi phát hiện bệnh thường ở mức nặng và rất nặng.
Theo bác sĩ Đông, có 572 trường hợp được điều trị tại bệnh viện phổi, số còn lại được điều trị tại tuyến y tế huyện, thị xã, thành phố nơi bệnh nhân cư trú.“Đối với những người đã mắc lao, nên tuân thủ điều trị theo phác đồ, đúng liều, đúng lượng và đúng thời gian thì mới khỏi bệnh. Đặc biệt, chủ động kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện, điều trị kịp thời”, bác sĩ Đông khuyến cáo thêm.