Tại cuộc họp báo quý 3 do UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức vào sáng 7/11, ông Trần Minh Khởi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Vĩnh Long, cho biết UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương lập thủ tục thăm dò, khai thác cho 2 nhà thầu thi công tại 4 vị trí để phục vụ cho dự án.
Các nhà thầu đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để hoàn thành hồ sơ trình UBND tỉnh cấp phép khai thác.
Thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã hướng dẫn một đơn vị thi công công trình cao tốc lập thủ tục khai thác thêm 2 vị trí.
Đối với mỏ cát đã cấp giấy phép khai thác, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT tham mưu xem xét đơn yêu cầu của một nhà thầu thi công xin cung cấp nguồn cát tại mỏ đã có giấy phép. Ngày 18/10, Sở đã có báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương phối hợp với các nhà thầu và chủ đầu tư thực hiện các bước trình tự theo quy định.
Thời gian tới, các đơn vị thi công công trình cao tốc được UBND tỉnh cấp phép khai thác, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ công tác do UBND tỉnh thành lập và các ngành liên quan thường xuyên hoặc đột xuất thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, để giám sát việc chấp hành pháp luật về tài nguyên khoáng sản cũng như pháp luật về môi trường và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật (nếu có).
Được biết, nhu cầu vật liệu cát cho các dự án cao tốc đang triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí nguồn cát san lấp cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau để đảm bảo tiến độ thi công. Toàn tuyến cần khoảng 18,1 triệu khối cát.
Cụ thể, An Giang bố trí 7 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3, Vĩnh Long 5 triệu m3. Tuy nhiên đến giữa cuối tháng 10, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chỉ mới nhận được nguồn cát do Đồng Tháp bàn giao 5 mỏ cát, đáp ứng được 3,75 triệu m3 cát.
Trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nhà thầu chỉ mới hoàn thành việc đào hữu cơ, trải vải địa kỹ thuật và không thể thi công tuyến chính vì thiếu cát đắp.
Trước đó, ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về việc xử lý vướng mắc trong cung cấp vật liệu cho dự án giao thông tại khu vực.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin, hiện nay, Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong cấp phép mỏ vật liệu chỉ áp dụng đến hết năm 2023.
Về mặt quy trình, những mỏ cát hết hạn phải thu hồi và cấp thẳng cho nhà thầu. Đối với các mỏ mới, địa phương phải thực hiện rút ngắn các thủ tục, không loay hoay với các thủ tục gia hạn.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, việc áp dụng cơ chế đặc thù cấp trực tiếp cho nhà thầu thi công để tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ dự án. Thế nhưng tại tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa cấp phép khai thác được mỏ vật liệu nào.
Trong khi đó, qua các buổi làm việc tại An Giang và Đồng Tháp, hai tỉnh này đều đã thống nhất rút gọn thủ tục và sẽ sớm cấp phép cho nhà thầu trong 1-2 tháng tới.
Do vậy, ông Đặng Quốc Khánh yêu cầu tỉnh Vĩnh Long chia sẻ những khó khăn để Bộ TN&MT phối hợp với Bộ GTVT xử lý.
Theo thiết kế, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110km, các tuyến nối khoảng 25km, rộng 17m, 4 làn, với tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng.
Công trình khởi công từ tháng 1, mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2025. Cao tốc được xem là tuyến quan trọng ở ĐBSCL khi kết nối nhiều tỉnh thành với 128 cây cầu.