Tù nhân được Nga vận động trao đổi mạnh mẽ nhất
Ngay sau khi bị kết án tại Mỹ năm 2011, trùm buôn vũ khí người Nga Viktor Bout đã chuyển một thông điệp thách thức thông qua luật sư của mình khi đối mặt với viễn cảnh 25 năm tù giam. Ông Bout “tin rằng đây chưa phải là kết thúc", luật sư của ông nói.
Hơn một thập kỷ sau, Bout được trả tự do, mặc dù mới chấp hành chưa đầy một nửa án tù. Ngày 8.12, trùm buôn vũ khí 55 tuổi được trao đổi tù nhân với ngôi sao bóng rổ người Mỹ Brittney Griner - người đã bị giam giữ ở Nga 10 tháng qua.
Giới chức Nga đã thúc đẩy việc đưa Bout trở về kể từ khi ông này bị bồi thẩm đoàn ở New York kết án 4 tội danh bao gồm âm mưu giết công dân Mỹ.
Các công tố viên cho biết, Bout đã đồng ý bán vũ khí phòng không cho các sĩ quan đóng giả làm người mua vũ khí cho Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ thời điểm đó, Eric Holder, đã gọi Bout là "một trong những kẻ buôn bán vũ khí số lượng lớn nhất thế giới". Có biệt danh là “Lái buôn tử thần”, Bout khét tiếng trong giới chức tình báo Mỹ bởi đã trốn tránh bị bắt trong nhiều năm.
Cuộc đời và nhưng phi vụ khét tiếng của Viktor Bout đã truyền cảm hứng cho phim “Lord of War” năm 2005 có sự tham gia diễn xuất của Nicolas Cage trong vai một nhân vật có nguyên mẫu là Bout.
New York Times nhận định, Bout có lẽ là người Nga nổi tiếng nhất đang bị Mỹ giam giữ và là tù nhân mà Nga đã vận động mạnh mẽ nhất để trao đổi.
Trong các cuộc phỏng vấn với báo giới, Bout nhiều lần bác bỏ cáo buộc từng làm việc cho các cơ quan tình báo Nga. Nhưng Mark Galeotti, một chuyên gia về lực lượng an ninh của Nga, nhận định, có những dấu hiệu mạnh mẽ - học vấn, mạng lưới xã hội và nghề nghiệp cũng như kỹ năng logistics của Bout - cho thấy ông là một thành viên, hoặc ít nhất là hợp tác chặt chẽ với cơ quan tình báo của quân đội Nga được gọi là G.R.U.
Ông Galeotti, giảng viên về Nga và tội phạm xuyên quốc gia tại University College London, cho biết: “Đó cũng là quan điểm của Mỹ và các giới chức khác – và nó giải thích lý do Nga tích cực vận động để đưa ông ta trở lại”. Ông lưu ý thêm, rõ ràng có ưu tiên đặc biệt của người Nga trong việc đưa Viktor Bout trở lại.
Ông trùm vũ khí khét tiếng sa lưới
Bout lớn lên ở Dushanbe, thủ đô của Tajikistan, cho đến khi gia nhập quân đội Liên Xô năm 18 tuổi. Sau một thời gian phục vụ trong quân đội, ông học tiếng Bồ Đào Nha tại Học viện Ngoại ngữ Quân sự ở Mátxcơva - điểm đầu vào chung của tình báo Nga và cuối cùng trở thành một sĩ quan trong lực lượng không quân Nga.
Liên Xô tan rã không lâu sau khi ông Bout rời quân ngũ. Khi nền kinh tế Nga sụp đổ và các nhóm tội phạm phát triển mạnh, Bout chuyển đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và thành lập một công ty vận tải hàng hóa. Công ty sau đó nhanh chóng phát triển đội gồm 60 máy bay.
Các công tố viên cho hay, với nguồn cung quân sự của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ bị tuồn ra thị trường chợ đen, đế chế vận chuyển của Bout đã chuyển súng cho phiến quân và khủng bố trên khắp thế giới.
Trong thời kỳ tư nhân hóa ở Nga, những kẻ buôn bán vũ khí có thể sử dụng mạng lưới quan hệ xã hội, quân sự và kinh doanh cũ từ thời Liên Xô, đồng thời phát triển các công ty vỏ bọc để che giấu các giao dịch.
Bout bị buộc tội bán vũ khí cho Al Qaeda, Taliban và phiến quân ở Rwanda. Theo một số cuộc điều tra và bản cáo trạng của Mỹ, Bout và cộng sự đã phớt lờ lệnh cấm vận vũ khí ở Sierra Leone, Cộng hòa Dân chủ Congo và Algeria để bán vũ khí cho cả lực lượng chính phủ và quân nổi dậy.
Khả năng tránh bị bắt làm tăng thêm tiếng tăm của Bout trong giới tình báo phương Tây. Năm 1995, Taliban đã hạ một trong những chiếc máy bay vận tải của Bout ở Afghanistan, tịch thu hàng hóa và bỏ tù phi hành đoàn. Bout và các quan chức Nga bằng cách nào đó đã đưa được phi hành đoàn ra khỏi đất nước.
Năm 2003, Bout nói với The New York Times rằng phi hành đoàn đã bị trục xuất nhưng năm 2012, The New Yorker đưa tin, Bout nói rằng họ chỉ đơn giản là trốn thoát.
Giới chức Mỹ cuối cùng bắt được Bout ở Bangkok năm 2008. Bout đã gặp đại diện của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, hay FARC mà Mỹ coi là một tổ chức khủng bố cho đến năm 2021 nhưng thực chất là các đặc vụ ngầm của Lực lượng Chống Ma túy Mỹ. Khi khách hàng tiềm năng nói rằng vũ khí có thể được sử dụng để giết phi công Mỹ, Bout trả lời: “Chúng ta có cùng một kẻ thù", các công tố viên cho biết.
Chính quyền Thái Lan đã bắt Bout ngay tại chỗ. Y bị dẫn độ sang Mỹ năm 2010 và 2 năm sau bị kết án 25 năm tù.