Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3-7/10 theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Sau hơn 30 năm, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ mới trở lại nước Pháp. Sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy cam kết cao nhất của Việt Nam đối với sự phát triển của cộng đồng Pháp ngữ.
Thông qua việc tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, Việt Nam tiếp tục khẳng định những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của nước ta trong thời gian qua.
Không gian chính trị - kinh tế - văn hóa đa dạng
Khái niệm về Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19. Lúc đó khái niệm chỉ được hiểu là bao hàm toàn bộ các dân tộc, các vùng nói tiếng Pháp trên thế giới. Mãi đến những năm 60 của thế kỷ 20, quan hệ giữa các nước thuộc địa nói tiếng Pháp mới giành được độc lập với chính quốc và giữa các nước này với nhau có những biến đổi sâu sắc.
Hàng loạt các tổ chức quốc tế sử dụng tiếng Pháp được thành lập như Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước có sử dụng tiếng Pháp (CONFEMEN, 1960), Hiệp hội các trường đại học sử dụng từng phần hoặc toàn phần tiếng Pháp (AUPELF-UREF, 1961), Liên minh các nghị sĩ nói tiếng Pháp (AIPLF, 1967), Tổ chức hợp tác văn hoá và kỹ thuật (ACCT, 1970)... Tuy nhiên, hợp tác giữa các nước trong các tổ chức này vẫn mang đậm tính chất nghề nghiệp và kỹ thuật, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhiều nước muốn có một tổ chức có tầm vóc chính trị, có vị trí và tiếng nói đáng kể trong quan hệ quốc tế.
Tháng 2/1986, theo sáng kiến của cố Tổng thống Pháp Francis Mitterand, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của các nước có sử dụng tiếng Pháp đã được tổ chức tại Paris với sự tham gia của gần 40 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước có sử dụng tiếng Pháp, đánh dấu sự ra đời chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp.
Tháng 12/1998, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Pháp ngữ lần thứ 12, họp tại Bucharest (Rumani) đã thông qua tên gọi chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp là Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).
Cơ chế tổ chức của Cộng đồng Pháp ngữ gồm các cơ quan chính trị trong đó:
Hội nghị Cấp cao (Sommet) là cơ quan tối cao của Cộng đồng Pháp ngữ, đề ra đường lối, phương hướng hoạt động cho Cộng đồng và bầu Tổng thư ký Pháp ngữ.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (CMF), là cơ quan cao nhất về phương diện chính trị. CMF họp mỗi năm một lần, có nhiệm vụ chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao.
Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF), là cơ quan chính trị thường trực của Cộng đồng được đặt dưới sự chỉ đạo của CMF, có nhiệm vụ chuẩn bị Hội nghị cấp cao và theo dõi việc thực hiện các quyết định của Hội nghị cấp cao.
Ban Tổng Thư ký, đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng Thư ký Pháp ngữ.
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân với lãnh đạo, đại diện các quốc gia và chính phủ thành viên OIF tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18, tháng 11-2022. Ảnh phải: Lễ kỷ niệm chính thức Ngày quốc tế Pháp ngữ 20-3 và 25 năm Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội, ngày 25-3-2022. Ảnh: TTXVN
Việt Nam là thành viên tích cực
Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định, những năm qua, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF), Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF), Chủ tịch Hội nghị cấp cao Pháp ngữ... Những vị trí quan trọng mà Việt Nam đảm nhiệm thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng đối với Việt Nam cũng như uy tín của Việt Nam trong cộng đồng. Đối với Việt Nam, việc tham gia OIF là một trong những cầu nối, cánh cửa mở ra thế giới. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị cấp cao Pháp ngữ.
Việt Nam chính thức gia nhập ACCT từ năm Việt Nam gia nhập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật - tiền thân của cộng đồng Pháp ngữ (OIF) năm 1979 (trước đó chính quyền Sài Gòn đã tham gia tổ chức này ngay từ khi mới được thành lập) và lần lượt tham gia vào nhiều tổ chức khác thuộc cộng đồng Pháp ngữ. Việt Nam đã tham dự các Hội nghị cấp cao ngay từ Hội nghị đầu tiên và tháng 11/1997 và từng tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ 7 tại Hà Nội.
Đến nay, Việt Nam đã có trao đổi thương mại chính thức 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF, trong đó có 12 quốc gia tại khu vực châu Âu - châu Mỹ, 32 quốc gia tại khu vực châu Phi.
Việc tham gia vào cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp nằm trong chủ trương chung của chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, tranh thủ đối tác.
Cùng với tiếng Anh, tiếng Pháp là một trong sáu ngôn ngữ chính thức và là một trong hai ngôn ngữ làm việc của hệ thống Liên Hợp Quốc. Việc sử dụng tiếng Pháp bên cạnh tiếng Anh và các ngoại ngữ khác góp phần mở rộng khả năng của ta tranh thủ hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và văn hoá với bên ngoài.
Việc tham gia Cộng đồng Pháp ngữ cũng mang lại cho Việt Nam một số lợi ích thiết thực về uy tín quốc tế, về vật chất cũng như về kinh nghiệm hoạt động trên diễn đàn đa phương.