Quan hệ hợp tác Việt-Mỹ được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã tạo ra kỳ vọng và xung lực cho sự phát triển đột phá trong quan hệ song phương thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác công nghệ. Những kết quả hợp tác trong lĩnh vực công nghệ số giữa Việt Nam - Hoa Kỳ sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang được cả 2 bên đặt nhiều kỳ vọng. VietNamNet giới thiệu các bài viết về chủ đề này.
Bài 1: Kỳ vọng của các ‘đại gia công nghệ’ Mỹ khi đầu tư vào Việt Nam
Bài 2: Hợp tác Việt - Mỹ mở ra cơ hội mới phát triển công nghiệp bán dẫn
Bài 3: Việt Nam có cơ hội ghi tên trên bản đồ hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu
Việt Nam được đánh giá là điểm đến có tiềm năng
Tại tọa đàm Hợp tác, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đông Nam Á ngày 29/9, các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn có tác động thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đặc biệt giúp nâng cấp toàn bộ nền công nghiệp của một quốc gia trên phương diện năng suất, năng lực đổi mới sáng tạo.
Theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn, tổng doanh thu toàn cầu năm 2022 của ngành bán dẫn đạt 601 tỷ USD, đóng góp 5,9% GDP toàn cầu. Với mức độ phát triển và số hóa như hiện nay, theo dự báo, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của ngành bán dẫn đạt từ 6 đến 8% mỗi năm cho đến năm 2030 và đạt doanh thu 1.400 tỷ USD vào năm 2029.
Các chuyên gia cho rằng, với lợi thế địa chính trị, độ mở kinh tế, nguồn nhân lực cũng như nền tảng ban đầu của ngành bán dẫn điện tử đã được tạo dựng trong gần 20 năm qua, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến có tiềm năng, cạnh tranh để tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cần tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả thế mạnh của mình, đạt được mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn điện tử phải là động lực của chuyển đổi số, giúp Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới.
Ông Hoàng Hưng Hải, Giám đốc Tiếp thị sản phẩm của Qualcomm Việt Nam cho hay, đối với ngành công nghiệp điện tử, đang có những làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Có nhiều khách hàng đến với Qualcomm và thông báo chuyển nhà máy sang Việt Nam và họ cần hỗ trợ, gợi ý tìm kiếm đối tác, địa điểm phù hợp. Trong 3 năm tới, sẽ có nhiều nhà sản xuất chuyển sang Việt Nam. Họ mang theo quy trình và công nghệ từ các nơi khác đến, giúp Việt Nam tăng tốc quá trình triển khai chuyển đổi số.
Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á nhấn mạnh, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Mỹ... Đặc biệt, đầu tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thăm Việt Nam và cùng nhau công bố việc nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm chiến lược toàn diện, cũng như, trong tuyên bố chung của hai quốc gia, hợp tác về đổi mới sáng tạo và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là những nội dung quan trọng nhất.
Việt Nam sẽ có chính sách thúc đẩy công nghiệp bán dẫn
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, chỉ 2 tuần sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã cho thấy sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Để hiện thực hóa chủ trương của Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đã xác định những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Thứ nhất, Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Theo đó, đã giao Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam, cũng như xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ khoảng 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.
Thứ hai, Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn; có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội và Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội... Các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Thứ ba, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),...
Ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ rằng Việt Nam cần xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn cho các tập đoàn bán dẫn hàng đầu, cũng như các chính sách đầu tư hợp lý, cung cấp các tiện ích cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Việt Nam đã và đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu hiện diện và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam sẽ có những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Chia sẻ tiếp về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ TT&TT) cho hay: Việt Nam đứng thứ 10 trong xuất khẩu sản phẩm điện tử và đứng thứ sáu trong số các nước gia công, đóng góp lớn vào ngành công nghệ ICT. Việt Nam cũng có rất nhiều người giỏi trong lĩnh vực này. Việt Nam sẵn sàng làm gia công cho các nước trong khu vực và các nước khác, chẳng hạn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Với những kết quả đạt được đến thời điểm này, cùng với hạ tầng công nghệ, chúng ta có thể có được ngành công nghiệp điện tử thành công.
“Việt Nam cũng đã có những ưu đãi về thuế như: Không phải nộp thuế thu nhập trong 4 năm đầu tiên, ưu đãi về thuế xuất khẩu là 0 %, miễn thuế VAT cho các sản phẩm về phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, còn có những ưu đãi khác như tiền thuê đất. Với những động thái khuyến khích này rất hữu ích để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nói.
Bài 5: Việt Nam có thể trở thành nguồn cung nhân lực bán dẫn cho công ty Mỹ