Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam vừa cho biết nhà chức trách chưa tiến hành đình chỉ các chuyến bay của Boeing 737 Max qua không phận Việt Nam.
Các hãng hàng không Việt đến nay cũng chưa khai thác Boeing 737 Max. Thay vào đó, các hãng đều sử dụng máy bay Airbus A320/321 có kích cỡ tương đương.
B737 Max là dòng máy bay thân hẹp phổ biến nhất của hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ), cạnh tranh trực tiếp với dòng A320/321 của Airbus.
B737 Max có 4 biến thể được đánh số từ 7 đến 10. Trong đó, chiếc máy bay gặp sự cố hôm 5/1 tại Mỹ là B737 Max 9. Theo Cirium, hiện có khoảng 215 chiếc 737 Max 9 đang được sử dụng trên toàn cầu
Trước đó, phiên bản B737 Max 8 có một lịch sử sóng gió khi liên tiếp gặp tai nạn trong 2 năm, gồm tai nạn ngày 29/10/2018 của Lion Air (Indonesia) khiến 189 hành khách thiệt mạng và vụ tai nạn ngày 10/3/2019 của Ethiopian Airlines khiến 157 người thiệt mạng.
Hai vụ tai nạn đã dẫn tới việc 737 Max bị cấm bay trên toàn thế giới trong 2 năm. Đến ngày 31/12/2021, gần 3 năm sau lệnh cấm, Cục Hàng không Việt Nam mới cho phép dòng máy bay này hoạt động trở lại tại Việt Nam.
Các sự cố liên quan Boeing 737 Max cũng từng làm gián đoạn tiến độ mua sắm dòng máy bay này của hãng hàng không Vietjet. Đã từng xuất hiện hình ảnh máy bay 737 Max 8 được sơn nhận diện thương hiệu của Vietjet tại nhà máy ở Mỹ. Tuy nhiên, chiếc máy bay chưa từng được đưa về Việt Nam.
Trước đó, ngày 5/1, một máy bay Boeing 737 Max 9 của Alaska Airlines đang trên hành trình từ Portland (Oregon) tới Ontario (California) thì phải quay đầu hạ cánh khẩn cấp sau khi một cửa sổ và một phần thân máy bay bị thổi bay giữa không trung.
Lỗ hổng khiến bên trong khoang máy bay xảy ra hiện tượng giảm áp, hành khách phải sử dụng mặt nạ dưỡng khí. May mắn, hành khách đều cài dây an toàn và không có ai bị hút ra ngoài. 174 khách và 6 thành viên tổ bay đều hạ cánh an toàn.
Ngay sau sự cố, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã ra lệnh kiểm tra 171 chiếc 737 Max 9 đang hoạt động trên lãnh thổ Mỹ. Lệnh kiểm tra khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy vào cuối tuần.