Việt Nam nên tham khảo mô hình Qũy điện ảnh Hàn Quốc!

18/10/2021 07:00

Luật Điện ảnh dự thảo hiện không chỉ đang rất “nóng” với vấn đề kiểm duyệt hay các điều cấm khi tham gia sản xuất phim mà còn gây chú ý bởi vấn đề thành lập Quỹ điện ảnh – khi mà 15 năm qua, việc thực thi vẫn nằm trên giấy với nhiều vướng mắc. Tạp chí Thế giới điện ảnh đã có cuộc trao đổi với Nhà phê bình, Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến, phát triển điện ảnh Việt Nam về vấn đề này.

Nhà phê bình, Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến, phát triển điện ảnh Việt Nam
Nhà phê bình, Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến, phát triển điện ảnh Việt Nam

Luật Điện ảnh năm 2006 đã đưa việc thành lập Quỹ điện ảnh vào văn bản để thực thi và ngành điện ảnh cũng đã có nhiều động thái để Quỹ điện ảnh sớm được thành lập nhưng cho đến thời điểm này, việc ra đời của nó vẫn là bài toán khó. Theo bà, vướng mắc lớn nhất cho sự loay hoay này là nằm ở đâu?

Đúng là trong Luật Điện ảnh 2006 hiện hành có Điều 6 quy định về “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh”, Nghị định 54 năm 2010 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh cũng có Điều 8 quy định việc “Thành lập và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh”. Tuy nhiên, trong hơn chục năm, dù cơ quan quản lý điện ảnh đã dự thảo và trình Dự thảo thành lập Quỹ vài lần, nhưng chưa được thông qua. Vướng mắc thứ nhất là nguồn thu ổn định để duy trì hoạt động của Quỹ. Theo kinh nghiệm quốc tế, nguồn thu đó trích tỉ lệ % từ doanh thu phòng vé và việc chiếu phim trên truyền hình. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cả hai nguồn này vướng với quy định các luật liên quan, nên đều không khả thi. Vướng mắc thứ hai là mô hình Quỹ: ví dụ là đơn vị sự nghiệp hay công ty TNHH? Giải quyết được hai vướng mắc trên thì Quỹ mới có thể ra đời và duy trì được hoạt động.

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Điện ảnh cần rõ ràng hơn với các quy định về Quỹ điện ảnh để tránh trùng lặp, sơ hở… Theo bà, chúng ta bổ sung, sửa đổi thế nào để phù hợp? Và liệu có mô hình nào để chúng ta học hỏi theo hay không?

Dự thảo 7 Luật Điện ảnh sửa đổi dành hẳn Mục 2 của Chương VI cho Quỹ. Tuy nhiên, mục đích của Quỹ dàn trải, mục tiêu hỗ trợ của Quỹ không tập trung e rằng sẽ dẫn đến không hiệu quả. Việc hỗ trợ của Quỹ có những phần trùng lặp với các mục chi từ ngân sách cho các hoạt động sự nghiệp của cơ quan quản lý điện ảnh, như vậy sẽ khó được chấp nhận. Hơn nữa, khoản quy định mục đích Quỹ “Hỗ trợ đầu tư xây dựng trường quay bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt” có phần lạc lõng, không phù hợp với các mục đích hỗ trợ sáng tác, hỗ trợ các dự án phim nghệ thuật và quảng bá phim Việt.

Tôi thấy, nếu tham khảo kinh nghiệm từ các quỹ điện ảnh thành công trên thế giới, gần với Việt Nam cụ thể là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Hàn Quốc, được quy định trong “Luật Xúc tiến phim và video Hàn Quốc” sẽ khá hữu ích. Trong đó, họ quy định nguồn thu quỹ trích phí 5 % trên vé xem phim của khán giả, theo cách thức thu hợp lý và cơ chế cụ thể. Mục đích sử dụng quỹ của họ như sau: Hỗ trợ sáng tạo và sản xuất phim; đầu tư cho các Hiệp hội chuyên về điện ảnh; hỗ trợ xuất khẩu và trao đổi quốc tế phim nội; hỗ trợ sản xuất phim kinh phí nhỏ, phim ngắn; hỗ trợ bảo trì và cải tạo rạp chiếu phim; hỗ trợ các dự án cải thiện phúc lợi người lao động tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh; hỗ trợ các dự án liên hoan phim của các tổ chức và nhóm dân sự được cơ quan quản lý điện ảnh công nhận; hỗ trợ các dự án đào tạo, giáo dục điện ảnh; hỗ trợ các dự án phim nghệ thuật; hỗ trợ các dự án liên quan đến phát triển công nghiệp điện ảnh; hỗ trợ các dự án liên quan đến việc thúc đẩy đa dạng văn hóa điện ảnh và trách nhiệm cộng đồng của điện ảnh…

Qũy điện ảnh phải tránh trùng lặp với ngân sách chi cho sự nghiệp ví dụ như xây dựng trường quay cho điện ảnh chẳng hạn
Quỹ điện ảnh phải tránh trùng lặp với ngân sách chi cho sự nghiệp ví dụ như xây dựng trường quay cho điện ảnh chẳng hạn

Quỹ điện ảnh nếu thực sự được ra đời, nó mang lại gì cho điện ảnh Việt Nam, nhất là trong chiến lược “Xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh” hiện nay?

Trước hết, phải khẳng định rằng công nghiệp điện ảnh chỉ phát triển khi sản xuất phim phát triển với các dòng phim đa dạng và chất lượng. Theo đó, cần tăng cả lượng và chất cả 3 dòng phim: Phim đặt hàng phục vụ nhiệm vụ chính trị theo những tiêu chí nêu rõ trong luật; Phim thương mại chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó các phim có giá trị thì Nhà nước có cơ chế hỗ trợ hoặc mua bản quyền (toàn bộ hoặc một phần); Phim nghệ thuật, phim được chọn dự thi các liên hoan phim danh tiếng được đầu tư hoặc hỗ trợ từ Quỹ điện ảnh.

Hầu hết các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ trên thế giới được hỗ trợ từ các Quỹ điện ảnh và đạt được thành công tại các liên hoan phim quốc tế. Bởi vậy, Quỹ nên lấy trọng tâm là việc lựa chọn, hỗ trợ cho các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ, tạo thành dòng phim thành công từng bước tại các liên hoan phim quốc tế. Hiện nay có thực trạng là một số phim được cho là nghệ thuật của các đạo diễn trẻ đã thành công tại liên hoan phim quốc tế hầu như chưa tìm được sự đồng thuận của cơ quan quản lý, gầy đây nhất là hai phim Ròm và Vị. Cho nên, ngoài việc cần có những quy định rõ ràng trong việc thẩm định, phân loại, cấp phép chiếu phim nói chung còn rất cần những tiêu rõ ràng đối với việc lựa chọn các kịch bản và dự án phim nghệ thuật sáng tạo, mới mẻ và phù hợp với mục đích đầu tư hoặc hỗ trợ của Quỹ. Tôi tin rằng Quỹ điện ảnh ra đời sẽ thu hút sức sáng tạo của các nhà làm phim độc lập, họ sẽ không còn cảm thấy bơ vơ, đơn độc với các dự án mang cá tính, sự khám phá của mình. Và, khi phim của họ ra đời sẽ không còn cảnh vùng vẫy, gắng sức “bơi ngược dòng” với các quyết định của cơ quan quản lý hoặc dư luận xã hội.

Cảnh trong phim Ròm
Cảnh trong phim Ròm

Các nước có nền điện ảnh phát triển đều có nhiều Quỹ điện ảnh với các tiêu chí khác nhau để hỗ trợ người làm phim. Theo bà, chúng ta phải làm điều gì để có được điều tương tự?

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi xác định “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động”. Như vậy, sẽ chỉ có một Quỹ nhà nước do Thủ tướng thành lập và cho dù là Quỹ “ngoài ngân sách” nhưng vẫn sẽ có cơ chế đảm bảo nguồn thu để duy trì và phát triển, ví dụ được nhà nước cấp vốn ban đầu; được trích % tiền bán vé xem phim...

Các quỹ điện ảnh khác không phải là quỹ nhà nước có thể do các tổ chức, cá nhân thành lập và hoạt động sẽ dễ dàng hơn chứ không khó khăn, phức tạp về thủ tục. Quan trọng nhất là làm sao đảm bảo được nguồn thu và tạo được chất lượng cho các sản phẩm từ quỹ.

Là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Hiệp hội đã và đang làm điều gì cho việc thúc đẩy sự ra đời cũng như hoạt động của Quỹ điện ảnh không, thưa bà?

Quả thật Hiệp hội không được “phân công” việc gì liên quan đến thành lập Quỹ. Tuy nhiên, Hiệp hội và Chủ tịch Hiệp hội đã nhiều lần góp ý các dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, trong đó có phần góp ý về mục đích, tiêu chí, nguồn thu, cơ chế hoạt động của Quỹ. Khi Quỹ được thành lập, với tư cách là tổ chức xã hội tập hợp các nhà sản xuất phim và những người ủng hộ cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, Hiệp hội sẽ quan tâm, nghiên cứu và tích cực tham gia các hoạt động của Quỹ để góp phần cho ra đời những sản phẩm điện ảnh tốt, từng bước xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

“Nếu tham khảo kinh nghiệm từ các quỹ điện ảnh thành công trên thế giới, gần với Việt Nam, tôi thấy Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Hàn Quốc, được quy định trong “Luật Xúc tiến phim và video Hàn Quốc” sẽ khá hữu ích” – TS Ngô Phương Lan.

Xin cảm ơn bà!

Gia Hoàng

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam nên tham khảo mô hình Qũy điện ảnh Hàn Quốc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO