Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết Tòa Paris với vụ kiện chất độc da cam

22/08/2024 19:37

Việt Nam lấy làm tiếc khi Tòa phúc thẩm Paris bác đơn của bà Trần Tố Nga kiện 14 công ty cung cấp chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 22/8 (giờ Paris), Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết bác đơn của bà Trần Tố Nga kiện 14 công ty cung cấp chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam.

Chiều nay, tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết cũng vừa nhận được thông tin về việc này.

"Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris về vụ việc và chúng tôi đã nhiều lần nêu quan điểm về việc này. Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng những hậu quả nặng nề vẫn còn tác động sâu sắc đến đất nước và người dân Việt Nam, trong đó có những hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin", người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

tran to nga.png
Bà Trần Tố Nga cùng các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Bà Phạm Thu Hằng cho biết: "Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, yêu cầu các công ty hóa chất sản xuất và cung cấp chất độc da cam/dioxin cho Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam khiến hàng triệu người Việt Nam là nạn nhân, có trách nhiệm khắc phục hậu quả đã gây ra".

Vụ kiện của bà Trần Tố Nga đã trải qua nhiều năm gian khổ. Từ năm 2009 - 2013, bà chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu chứng minh mình thực sự là một nạn nhân da cam để có thể khởi kiện theo luật pháp ở Pháp.

Tháng 5/2013, Tòa đại hình Evry đã chấp thuận đơn kiện của bà. Từ đó đến nay, tòa trải qua hàng chục phiên và phiên điều trần với sự có mặt của 14 công ty.

Tháng 4/2014, tòa mở phiên thủ tục đầu tiên. Tháng 5/2021, Tòa án Ervy ra phán quyết khẳng định họ không có thẩm quyền xét xử, với lý do các công ty bị buộc tội được hưởng "quyền miễn trừ tài phán", và việc họ tuân theo lệnh của quân đội Mỹ cho phép loại trừ mọi trách nhiệm. Đến tháng 5 năm nay, phiên tòa phúc thẩm ở Paris cho biết đưa ra phán quyết vào ngày 22/8.

Hàng triệu người Việt Nam, Lào, Campuchia đã bị phơi nhiễm chất độc da cam, sau khi quân đội Mỹ rải khoảng 76 triệu lít chất diệt cỏ và chất làm rụng lá trong suốt thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam.

Mỹ đã ngừng sử dụng chất diệt cỏ trong chiến tranh từ năm 1971 và rút khỏi Việt Nam năm 1973. Các tổ chức phi chính phủ cho hay, chất độc da cam đã phá hủy cây cối, làm ô nhiễm đất và đầu độc động vật, gây ung thư và dị tật ở người.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết Tòa Paris với vụ kiện chất độc da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO