Việt Nam cần lý luận để phát triển kinh tế số

20/01/2024 11:10

Xây dựng lý luận về kinh tế số Việt Nam là nhiệm vụ cần làm ngay mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao cho Vụ Kinh tế số và Xã hội số.

Chiều 17/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã có buổi làm việc với Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT).

Vụ Kinh tế số và Xã hội số là đơn vị mới ra đời năm 2022, khi Bộ TT&TT được Chính phủ bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về chuyển đổi số quốc gia, giao dịch điện tử, kinh tế số, xã hội số.

Những “lần đầu tiên” của kinh tế số Việt Nam

Báo cáo với Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Minh Tuấn cho hay, hành trình năm 2023 của Vụ bắt đầu bằng từ “startup” với nhân sự mới và các công việc mới. Startup bởi lẽ sứ mệnh của đơn vị rất mới khi lần đầu có một cơ quan cấp Vụ về thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Với sự vào cuộc của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, trong năm 2023, Việt Nam lần đầu tiên hình thành được mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Tại phiên họp chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT cũng đã công bố tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của các địa phương.

W-vu-kts-1-1.jpg
Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Minh Tuấn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tháng 10/2023, Diễn đàn về kinh tế số và xã hội số với sự phối hợp của Ban Kinh tế Trung ương lần đầu tiên được tổ chức. Tại Diễn đàn này, lần đầu tiên Báo cáo thường niên về kinh tế số Việt Nam được ban hành.

Đến tháng 12/2023, lần đầu tiên có một đề án phát triển kinh tế số cho một vùng kinh tế xã hội, vùng Tây Nguyên. Theo đó, Tây Nguyên sẽ dùng kinh tế số để phát triển đột phá. Cũng trong tháng này, lần đầu tiên ra đời một kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế số trong năm 2024 và năm 2025.

Tuy còn nhiều dự định ấp ủ nhưng chưa làm được, trong năm 2023, Vụ Kinh tế số và Xã hội số đã xây dựng được 5 khung tiêu chí xét tuyển nền tảng số, 1 thỏa thuận hợp tác với Bộ KH&ĐT, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế số, khung kỹ năng số cơ bản cho người dân Việt Nam, Báo cáo sơ kết Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số cùng 2 đề tài nghiên cứu cấp Bộ.

Dùng công nghệ biến không thể thành có thể

Theo Vụ trưởng Trần Minh Tuấn, năm 2024 đối với vụ thể hiện bằng từ “Speedup” - Tăng tốc. Nếu năm 2023, slogan của Vụ là “Think outside the box” thì năm 2024, Vụ chọn slogan “Empowered by Tech, Driven by Dreams. I am possible”.

Có nghĩa là, cán bộ của Vụ Kinh tế số và Xã hội số sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số trong xử lý công việc, để thực hiện những ước mơ và khát vọng lớn, biến những gì không thể thành có thể.

Kế hoạch trọng tâm của Vụ Kinh tế và Xã hội số trong năm 2024 là phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng số cho người dân, xây dựng và hoàn thiện bộ tài liệu kỹ năng số cho người dân nông thôn. Vụ Kinh tế số và Xã hội số cũng có dự định cho ra đời một cuốn cẩm nang về các “use case” 5G (ứng dụng cho 5G) để phục vụ phát triển kinh tế số

Về kế hoạch nội bộ, với lợi thế về lực lượng cán bộ trẻ, Vụ Kinh tế số và Xã hội số sẽ cử các bạn trẻ tham gia hòa nhập với các doanh nghiệp số. Đồng thời, chấp nhận thử sai bằng cách mạnh dạn giao việc mới cho các bạn trẻ để thử thách, thúc đẩy sự sáng tạo.

W-vu-kts-3-1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với Vụ Kinh tế số và Xã hội số. Ảnh: Lê Anh Dũng

Từ góc nhìn của mình, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, với lực lượng mới bổ sung là các cán bộ trẻ, Vụ Kinh tế số và Xã hội số cần tiếp tục phát huy tinh thần nhóm nhỏ làm việc lớn.

Theo Thứ trưởng, cán bộ của Vụ Kinh tế và Xã hội số cần phải “trẻ” về tư duy để luôn cập nhập, theo kịp cái mới, nhưng lại phải “già” về nghề nghiệp để thực hiện trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Bộ TT&TT.

Xây dựng lý luận, triết học về kinh tế số Việt Nam

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Vụ Kinh tế số và Xã hội số phải xây dựng được lý luận và triết học về kinh tế số Việt Nam, vẽ sơ đồ phát triển kinh tế số, đưa ra một bức tranh tổng thể để từ đó dẫn dắt đất nước. Trong đó, cần phải chỉ ra được hạ tầng kinh tế số là gì.

Nhận định về “startup” của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ trưởng cho rằng, cần nhìn vào “startup” này dưới góc độ lập nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo.

Để lập nghiệp thường phải có khát vọng lớn. Vụ Kinh tế số và Xã hội số cần thể hiện được khát vọng trong việc phát triển kinh tế số. Có thể đặt mục tiêu kinh tế số duy trì tốc độ tăng trưởng gấp từ 2-3 lần GDP hoặc tỷ trọng kinh tế số sẽ chiếm hơn 50% GDP vào năm 2045.

W-vu-kts-7-1.jpg
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Vụ Kinh tế số và Xã hội số phát triển lý luận để phát triển kinh tế số Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Người làm startup thường gắn bó với nhau, không bị bó buộc bởi các quy tắc hay ảnh hưởng bởi gánh nặng của quá khứ. Chính lớp cán bộ này sẽ là người tạo nên giá trị cốt lõi và văn hóa của Vụ Kinh tế và Xã hội số trong tương lai.

Do đó, Bộ trưởng lưu ý với các cán bộ trẻ về một số đặc điểm cần phải có của người làm startup, đó là đức hy sinh, không nề hà công việc, duy trì được tinh thần ham học hỏi.

Theo Bộ trưởng, kinh tế số và xã hội số là một lĩnh vực hoàn toàn mới. Chính vì thế, mọi người đều có một xuất phát điểm ngang nhau. “Lập nghiệp thì không có cái cũ, nên tốt nhất dùng cái mới, công nghệ mới nhất. Chưa ai dùng trợ lý ảo trong Bộ thì các bạn phải là người dùng đầu tiên. Phải đi thẳng vào cái mới”, Bộ trưởng căn dặn.

Vụ Kinh tế số và Xã hội số được giao rất nhiều công việc. Bộ trưởng mong muốn các cán bộ của Vụ Kinh tế số và Xã hội số cần phải có niềm tin để hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy vậy, điều quan trọng hơn cả là kết quả cuối cùng, đó là sự phát triển của kinh tế số Việt Nam. Kết quả này phải được đo lường cụ thể bằng mức độ phát triển kinh tế số, trường hợp 5G được hình thành hoặc mức độ gia tăng của năng suất lao động.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/viet-nam-can-ly-luan-de-phat-trien-kinh-te-so-2241634.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/viet-nam-can-ly-luan-de-phat-trien-kinh-te-so-2241634.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cần lý luận để phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO