Việt - Mỹ và hành trình trở thành bạn hữu

07/09/2023 21:19

Gần 30 năm kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, tuy nhiên, giao lưu nhân dân hai nước đã có từ rất lâu, kể cả khi người dân bị ngăn cách bởi chiến tranh.

Chia sẻ với VietNamNet, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Đại sứ Hà Huy Thông kể lại câu chuyện cách đây 78 năm tại Quảng trường Ba Đình, trong hàng vạn người dự lễ mít tinh, nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, có ông Archimedes Patti là một trong những nhân chứng hiếm hoi, nếu không nói là người Mỹ duy nhất, có mặt tại quảng trường Ba Đình lúc đó.

'Tôi đi gặp lại bạn cũ'

Patti nguyên là Trưởng đại diện Cơ quan Phục vụ chiến lược (OSS - tiền thân của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ - CIA) ở Côn Minh, Trung Quốc. Ông đã theo dõi tình hình Nhật ở Đông Dương từ 1943 - 1944, và bắt đầu tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Patti vào Lăng viếng Bác. Ảnh do Đại sứ Hà Huy Thông cung cấp

Sau này, trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1980 mang tên "Why Vietnam: Prelude to America's Albatross" (Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu chim hải âu của nước Mỹ), ông Patti đã kể lại chuyện gặp Bác Hồ, chứng kiến người dân Việt Nam hưởng ứng Tuyên ngôn Độc lập 2/9 và cả khoảnh khắc khi Bác hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

37 năm sau, ông Patti xin trở lại Việt Nam vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/1982, Đại sứ Hà Huy Thông khi đó có may mắn được cử tháp tùng và phiên dịch giúp ông Patti. Patti vào Lăng viếng Bác, thăm nhà sàn và ao cá…

Thời điểm năm 1982, cho phép một người Mỹ vào viếng không đơn giản, cần cân nhắc rất kỹ và quan trọng là phải hiểu rõ lý do vì sao họ xin vào viếng. Lúc đó, Patti nói một câu khiến ông Thông nhớ mãi, câu nói ấy đơn giản mà rất hay, có tính thuyết phục. Ông bảo: “Tôi đi gặp lại bạn cũ, gặp lại người bạn vĩ đại của tôi”.

Ngay trong chiến tranh Việt Nam, quan hệ giữa nhân dân hai nước cũng đã được coi trọng và thúc đẩy, khi ấy, trong lòng nước Mỹ đã có những tầng lớp nhân dân khác nhau tham gia vào phong trào phản chiến, yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Sau khi chiến tranh kết thúc, là tiếp đến cuộc đấu tranh của những người bạn của Việt Nam trong lòng nước Mỹ yêu cầu dỡ bỏ cấm vận.

Hồi đầu năm 2023, đúng dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện Hiệp định Paris, tuổi ngoài 80, ông John Terzano cùng với những người bạn trên thế giới đã dành hơn một tuần có mặt tại Việt Nam. John Terzano là một trong những cựu binh Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam sau chiến tranh vào tháng 12/1981. Vượt qua nhiều rào cản, chia rẽ, ông cùng đồng đội ra sức thuyết phục các nhà chính trị Mỹ ủng hộ nối lại quan hệ với Việt Nam.

Những bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh đến thăm Lăng Bác hồi đầu năm 2023. Ảnh: VUFO

Là một cựu binh hải quân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam từ 1971-1972. Sau chiến tranh, ông là một trong những cựu binh đầu tiên trở lại Việt Nam với nỗ lực hòa giải, xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.

Trở lại Việt Nam sau chiến tranh

Tiếp sau đó, các ông John Terzano, John Kerry và Bobby Muller là những thành viên tích cực của tổ chức "Cựu binh Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam" Vietnam Veterans Against the War - VVAW), đồng sáng lập tổ chức "Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam" (VVA-1978) và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF-năm 1982).

Trò chuyện với VietNamNet, ông tâm sự: “Một tháng trước khi ký Hiệp định Paris (1973), tôi rời Việt Nam trên một con tàu khu trục của hải quân Mỹ. Tôi nghĩ đấy là lần cuối cùng tôi đến Việt Nam.

Những ký ức của tôi về hai lần đến Việt Nam vào năm 1971, 1972 chẳng có gì vui thú cả, đó là những ký ức về chiến tranh. Nhưng điều tôi không biết vào thời điểm đó là tôi sẽ còn quay lại đất nước các bạn rất nhiều lần trong những năm tháng tiếp theo”.

Trong nỗ lực hòa giải, xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, tháng 12/1981, các ông John Terzano, Bobby Muller dẫn đầu đoàn cựu binh Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam sau chiến tranh.

Dù trở lại Việt Nam nhiều lần, nhưng theo ông John Terzano, dấu ấn mạnh mẽ nhất chính là lần đầu tiên. Bởi khi đó, quan hệ Việt - Mỹ cực kỳ khó khăn, Mỹ vẫn còn cấm vận với Việt Nam. Tuy nhiên, các ông John Terzano, Bobby Muller đã trở thành những người vận động tích cực để bình thường hóa quan hệ hai nước.

Chuyến thăm đầu tiên của cựu binh Mỹ đúng vào dịp Giáng sinh, thời điểm Hà Nội kỷ niệm 9 năm Điện Biên Phủ trên không.

Ông John Terzano kể: “Khi chúng tôi đi dạo trên phố Hà Nội, một người Việt Nam gặp hỏi chúng tôi có phải cựu chiến binh Mỹ?, chúng tôi trả lời, đúng. Và họ đã nói: "Ồ, chào mừng các ông đến Việt Nam”.

Ông John Terzano nhớ lại, khi đó ông cùng đồng đội bất ngờ trước thái độ của người Việt Nam, nhất là sau chiến dịch Mỹ ném bom lớn nhất gần 10 năm trước.

“Một hành động tử tế, tốt bụng và sự mở lòng như thế đã làm cho chúng tôi rất xúc động”, ông John Terzano cảm động.

Kể từ năm 1988, các nhóm công tác của Mỹ và Việt Nam đã hợp tác để tìm kiếm và trao trả hài cốt những người lính đã ngã xuống, năm 1991, Văn phòng Tìm kiếm Tù binh và người mất tích của Bộ Quốc phòng Mỹ đã mở cửa tại Hà Nội.

Từ năm 1993, Mỹ và Việt Nam đã hợp tác với nhau để giúp Việt Nam loại bỏ hiểm họa từ vật liệu chưa nổ (UXO).

Những bước đi đầu tiên đó đã đặt nền móng cho việc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và mở cửa hai Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội vào năm 1995.

Ông Nguyễn Danh Sính, một trong những người bắt giữ Pete Peterson năm 1966, nồng nhiệt đón tiếp ông khi ông trở lại Việt Nam vào năm 1997. Ảnh: Báo Hải Dương

Năm 1997, Ông Douglas Pete Peterson được phê chuẩn làm Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam. Đại sứ Peterson từng là phi công của Không lực Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam và có sáu năm là tù binh chiến tranh, đã dành cả nhiệm kỳ để hàn gắn và xây dựng một mối quan hệ dài lâu giữa Việt Nam và Mỹ.

Ban đầu khi có quyết định này ông rất băn khoăn, cho rằng đó là một quyết định lạ lùng. Làm sao người Việt Nam, với quá khứ quá đau thương, có thể chấp nhận một người từng 66 lần ném bom đất nước họ. Peterson nói rằng, trở lại Việt Nam không nhằm tái hiện lại quãng thời gian đau thương nhất trong cuộc đời ông, mà để làm điều gì đó tích cực. Peterson nhận được sự chào đón nồng ấm từ chính những người từng bắt giữ ông.

Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 đã có rất nhiều những trao đổi, giao lưu nhân dân, đáng chú ý là những người Mỹ, các tổ chức xã hội, nhân đạo đến Việt Nam tham gia vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh như bom mìn, chất độc màu da cam, hàn gắn nỗi đau chiến tranh giữa những người dân hai phía, còn có cả những cựu binh trong các tổ chức của Mỹ đã đến để xin lỗi Việt Nam.

Giai đoạn Việt Nam mở cửa hội nhập, có rất nhiều người bạn, tổ chức của Mỹ ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam hết lòng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Việt - Mỹ và hành trình trở thành bạn hữu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO