Viện phí có thể tăng gấp 2-3 lần vì tính cả khấu hao thiết bị y tế, tài sản

Thùy Linh| 05/10/2023 13:38

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Viện phí có thể tăng gấp 2-3 lần vì tính cả khấu hao thiết bị y tế, tài sản
Cán bộ y tế điều trị cho người bệnh nhờ sự trợ giúp của thiết bị y tế hiện đại. Ảnh: BVCC

Thông tư này áp dụng cho các dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), do ngân sách nhà nước thanh toán, theo yêu cầu và khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi do quỹ BHYT chi trả.

Theo dự thảo Thông tư, các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

- Giá thành toàn bộ dịch vụ gồm chi phí nhân công (tiền lương, tiền công, phụ cấp, thuê chuyên gia, thu nhập bình quân tăng thêm...), chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, máu, điện, nước, xử lý chất thải, kiểm soát nhiễm khuẩn…), chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí quản lý (duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin…).

- Tích lũy hoặc lợi nhuận (nếu có) không quá 10% tổng chi phí cấu thành giá.

- Các nghĩa vụ tài chính (các khoản phí, lệ phí, thuế, thuế sử dụng đất/chi phí thuê đất…).

Công thức tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quy định trong dự thảo thông tư. Ảnh: PV chụp màn hình
Công thức tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quy định trong dự thảo thông tư. Ảnh: PV chụp màn hình

Trong khi đó, phương pháp so sánh là phương pháp định giá căn cứ vào kết quả phân tích, so sánh các đặc điểm kinh tế, kỹ thuật và các mức giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương tự được cung ứng trên thị trường trong nước, có tham khảo giá cả trên thị trường khu vực và thế giới (nếu có).

Thông tư này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2024. Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện nay, giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ mới bao gồm các yếu tố là thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp.

Theo văn bản của Bộ Y tế phản hồi về ý kiến của các bộ, ngành đối với lộ trình điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh, nếu tính chi phí khấu hao trang thiết bị y tế, tài sản thì sẽ làm giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh tăng rất cao.

Ví dụ, tại cơ sở y tế tư nhân giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh có tính khấu hao thì riêng tiền khám bệnh bình quân đã 200.000 - 300.000 đồng, tiền giường bệnh từ 1 đến 5 triệu đồng, gấp 5-10 lần giá của bệnh viện công.

Với mức điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh có tính đủ khấu hao trang thiết bị y tế và cơ sở vật chất, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ cao gấp 2-3 lần giá hiện tại.

Do vậy, chênh lệch thu chi của quỹ BHYT không thể cân đối (năm 2021 là 14.368 tỉ đồng) trong khi chưa xác định được lộ trình điều chỉnh mức đóng BHYT.

Mặt khác, mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tăng cao ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh tế xã hội và CPI.

Theo dự thảo Thông tư này, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện dịch vụ gắn với chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại thời điểm định giá, tích lũy và lợi nhuận dự kiến.

Phải bảo đảm bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh chữa bệnh, phù hợp với quan hệ cung cầu dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, khả năng chi trả của người bệnh, bảo toàn vốn và có tích lũy theo quy định của pháp luật.Cụ thể, phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định bao gồm phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.

Bài liên quan
  • Cách tính viện phí lạc hậu ở Việt Nam
    Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), giá dịch vụ siêu âm ổ bụng là 43.900 đồng/lần. Với giá này, từ lúc mua một máy siêu âm đến khi hết khấu hao tổng tiền thu được chưa chắc đã đủ mua máy, chưa nói đến việc trả lương cho nhân viên y tế.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Viện phí có thể tăng gấp 2-3 lần vì tính cả khấu hao thiết bị y tế, tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO